Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 22/3, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ chính sách liên quan người lao động”.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 1
Quang cảnh buổi đối thoại

Tham dự chương trình có các đại biểu: Ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ Thành phố; ông Lê Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ Thành phố; ông Tạ Văn Dưỡng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động.

Cùng dự, có đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 100 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thuộc Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 2
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của các đoàn viên công đoàn

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), Công đoàn gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Lê Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ Thành phố; bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 3
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi thoại

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan thiết thực tới người lao động. Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật đến cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 này, khi các cấp Công đoàn đang tập trung tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028, việc nắm rõ các quy định, quy trình, cách thức tổ chức như thế nào để đảm bảo Đại hội được tổ chức thành công, thật sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi cũng là điều mà các cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động đang quan tâm.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 4
Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản phát biểu tại buổi đối thoại

Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho biết, để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức lao động, trong những năm qua, hàng năm, công đoàn ngành đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ thành phố; Công ty Luật GATACA tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động... đối với doanh nghiệp; Tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách đối với người lao động như việc làm, tiền lương, tranh chấp lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động... cho cán bộ công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của công nhân, viên chức, lao động.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 5
Anh Nguyễn Văn Vinh (Công ty Thủy lợi sông Đáy) đặt hỏi với các chuyên gia

Anh Nguyễn Văn Vinh (Công ty Thủy lợi sông Đáy) hỏi: Công ty tôi đã làm thủ tục cấp sổ BHXH cho người lao động, nay người lao động cung cấp sổ BHXH cũ. Như vậy người lao động có 2 sổ, đơn vị tôi phải làm thủ tục gì?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: Có rất nhiều người lao động khi chuyển đơn vị công tác không báo cho đơn vị mới số sổ BHXH cũ, dẫn đến một người lao động có nhiều số sổ (thường là từ 2 trở lên).

 
Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 6
Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp

Trong trường hợp này, khi đơn vị tiếp nhận hồ sơ, việc đầu tiên phải phối hợp với cơ quan BHXH để đồng bộ lại dữ liệu cho người lao động, đổi lại số sổ mới theo số sổ đầu tiên được phát sinh và đồng bộ lại cả quá trình của đơn cũ và đơn vị mới của người lao động. Để thực hiện việc này, người lao động sẽ nộp lại hồ sơ cho đơn vị, để đơn vị phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 7
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (Công ty sông Nhuệ) đặt câu hỏi các chuyên gia

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (Công ty sông Nhuệ) hỏi: "Đơn vị tôi thi thoảng có thay đổi nhân sự, chuyển công tác sang đơn vị khác, do thủ tục nên có quyết định vào cuối tháng, sang đầu tháng sau mới báo giảm được nên BHXH truy thu BHYT của tháng đó. Nhưng đơn vị mới báo tăng cũng vẫn phải đóng BHYT, nhiều khi bị trùng. Điều này BHXH có giải pháp gì không?".

Bà Dương Thị Minh Châu trả lời, đối với trường hợp chuyển BHYT khi chuyển đơn vị khi báo giảm muộn thì phải truy thu BHYT. Đây là việc nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nếu xác định người lao động chuyển đi thì phải báo giảm kịp thời trong tháng, để không bị truy thu tháng sau. Hiện tại trong quy định, đóng BHXH, BHYT là chúng ta phải đóng trong tháng, từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng.

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 8
Chị Ngọc Anh (Công ty Thủy lợi Hà Nội) đặt câu hỏi

Chị Ngọc Anh (Công ty Thủy lợi Hà Nội) hỏi: Công ty Thủy lợi hiện nay đang thực hiện một dự án theo đơn đặt hàng của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên nguồn kinh phí rất ít không đủ để chi trả phụ cấp độc hại cho người lao động. Như vậy có bị coi là vi phạm pháp luật không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố trả lời, khi đơn vị, doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động với người lao động là phải tuân thủ Bộ luật Lao động. Còn việc phê duyệt tài chính, đấu thầu… là thuộc phạm trù khác. Nếu trong quan hệ lao động giữa trả lương và các chế độ không đảm bảo là đơn vị vi phạm pháp luật lao động.

Chị Lê Thị Thu Thủy (Công ty Cổ phần giống vật nuôi Hà Nội) hỏi: Công ty cổ phần giống vật nuôi Hà Nội trước kia thuộc khối hành chính nhân sự. Chúng tôi không được hưởng phụ cấp độc hại, tuy nhiên hiện nay, tôi thấy chăn nuôi có trong danh mục nghề độc hại. Vậy chúng tôi cần làm gì để được hưởng?

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 9
Ông Tạ Văn Dưỡng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố trả lời

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời, Nhà nước ban hành danh mục nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Nên người lao động cứ vào tra theo danh mục đó, nếu có đối tượng, chức danh, công việc thuộc nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì người lao động sẽ không phải làm thêm đề nghị hay thủ tục gì vẫn được nhận phụ cấp độc hại và các quyền lợi đối với công việc đặc thù.

Nghề độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn bình thường. Ví dụ như bổi dưỡng độc hại bằng hiện vật; chế độ nghỉ phép cao hơn so với công việc bình thường; được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng 1 lần… Tuy nhiên, người lao động cũng cần chú ý trên hồ sơ, hợp đồng lao động phải ghi đầy đủ chức danh nghề, theo đúng danh mục đã được ban hành. Từ đó các chế độ sẽ được giải quyết đơn giản.

 
Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 10

Ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội trao quà cho đoàn viên công đoàn trả lời đúng câu hỏi

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, đây là buổi đầu tiên trong chuỗi 20 cuộc giao lưu, đối thoại trực tuyến năm 2023 về giải đáp chính sách pháp luật cho đoàn viên công đoàn, người lao động. 

Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động - ảnh 11

Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia tư vấn tại chương trình

"Chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn, nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan mật thiết tới người lao động. Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật để cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm hết sức cần thiết". - bà Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội công nhận Điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng

Hà Nội công nhận Điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng

(PNTĐ) - Tối 26/4, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng; khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thương mại - Làng nghề gắn với Lễ hội truyền thống đình làng Lệ Mật.