Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Chia sẻ

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử đã được Đảng và Nhà nước quan tâm trong nhiều nhiệm kỳ qua, bằng việc ban hành và thực hiện các quy định cụ thể về tỉ lệ nữ đại biểu và tỉ lệ nữ ứng cử. Đây chính là 1 trong 4 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để bảo đảm bình đẳng giới thực chất ở nước ta.

Quyền chính trị của công dân và việc đảm bảo quyền tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử

Các quyền chính trị của công dân được ghi nhận như nhau cho nam và nữ trong Hiến pháp 2013, trong đó có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, bầu cử và ứng cử vào cơ quan dân cử. Đây là các quyền nhân thân chỉ thực hiện được khi đáp ứng một số điều kiện, yêu cầu cụ thể hoặc phụ thuộc vào quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Mặt khác, các quyền này gắn với mỗi con người cụ thể nên bị chi phối sâu sắc bởi giới tính thực tế và các quyết định dựa trên giới tính. Điều này dẫn đến hệ quả là ngay cả khi quyền được quy định như nhau trong pháp luật nhưng cơ hội thực hiện quyền đó của nam và nữ chưa chắc đã như nhau.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nghị quyết số 11-NQ/TW) xác định tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đến năm 2020 đạt từ 35-40%. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ xác định tỉ lệ nữ nhiệm kỳ 2016-2020 đạt trên 35%. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV chỉ đạt 26,8%; tỉ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh chỉ đạt 26,72%, cấp huyện chỉ đạt 27,50% và cấp xã chỉ đạt 26,59%. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ nữ trong các cơ quan dân cử đều thấp hơn nhiều so với tỉ lệ dự kiến đã đặt ra. Mặc dù vậy, so với việc không có quy định về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND, việc Đảng và Nhà nước có quy định về tỉ lệ này được cho là sẽ phần nào tác động, ảnh hưởng đến các giải pháp bảo đảm tỉ lệ đại biểu đó ngay từ giai đoạn ứng cử.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 11-NQ/TW không xác định tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sau năm 2020; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng không có chỉ tiêu nào liên quan đến tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, 2026-2031. Việc không tiếp tục có quy định về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 có thể được xem là một bất cập và thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất thông qua việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử.

Tỉ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. Ảnh minh họa: PV/Vietnam+Tỉ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. Ảnh minh họa: PV/Vietnam+

Đối chiếu với cách tiếp cận của Luật Bình đẳng giới về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, chỉ duy nhất có quy định “phấn đấu tỉ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân” trong Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14) là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Các quy định như “Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ” và “Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ” trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 không phải là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Lý do là bởi các quy định này chỉ xác định tỉ lệ nữ ứng cử nên tỉ lệ nữ đại biểu trên thực tế có thể không đạt được do tác động của nhiều nguyên nhân. Ví dụ như việc chỉ cố gắng bảo đảm tỉ lệ tối thiểu phụ nữ ứng cử theo luật định hoặc trong danh sách bầu cử sắp xếp nam và nữ có vị trí việc làm, vị thế quản lý, kinh nghiệm công tác không tương đương với nhau hoặc định kiến xã hội còn tồn tại khá nhiều trong việc lựa chọn người trúng cử… nên bất lợi có thể tiếp tục sẽ nghiêng về phụ nữ.

Đảm bảo cơ hội hiện thực hóa quyền tham gia cơ quan dân cử của phụ nữ trong bầu cử

Ngày 23/5/2021 cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bầu cử là sự kiện chính trị trọng đại của quốc gia, là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ đủ 18 tuổi trở lên sáng suốt lựa chọn những ứng cử viên đủ đức, đủ tài thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Việc ứng cử viên nào trở thành đại biểu trong cơ quan dân cử về lý luận chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn và quyết định của cử tri chứ không phụ thuộc vào giới tính của ứng cử viên. Tuy nhiên, số lượng ứng cử viên theo giới tính lại đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới tại cơ quan dân cử.

Ví dụ, trong 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV, phụ nữ chiếm 26,8%. Tỉ lệ nữ này đạt được trên cơ sở 38,8% người ứng cử là nữ, nhưng thực tế tỉ lệ trúng cử chỉ bằng 39,34% so với tỉ lệ ứng cử. Theo nghiên cứu của Vương Thị Hanh, Trung tâm hỗ trợ giáo dục nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) (2020), đa số nữ ứng cử thuộc diện cơ cấu kết hợp, có vị thế công việc thấp và kinh nghiệm hoạt động còn ít, nên không được cử tri bầu. Đó là nguyên nhân đa số nữ không trúng cử, đồng nghĩa tỉ lệ nữ trúng cử thấp. Đối với đại biểu HĐND các cấp cũng ở tình trạng tương tự, ví dụ tại 1 tỉnh miền Bắc, có 48,25% nữ ứng cử cấp tỉnh, nhưng thực tế chỉ có 19,4% nữ trúng cử do 13/17 (76,47%) đơn vị bầu cử sắp xếp danh sách nam, nữ ứng cử không ngang bằng về trình độ, vị thế công tác.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2021), tỉ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 45,3%; tỉ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 40,8%. Tuy tỉ lệ này có tăng hơn 6,5% so với kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, tăng hơn 1,1% so với kỳ bầu cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, nhưng thực tế cơ cấu, vị thế công việc và kinh nghiệm của các nữ ứng cử viên ở hầu hết các địa phương không có nhiều thay đổi. Bởi vậy, nếu việc sắp xếp danh sách ứng cử viên chưa phù hợp về trình độ, vị thế công tác mà không có thêm các biện pháp phù hợp trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử và bảo đảm thành phần cử tri đi bầu cử thì tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có thể không thay đổi theo hướng tăng nhiều hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thậm chí có thể còn thấp hơn.

Do vậy, trong bối cảnh các nữ ứng cử viên đã rất nỗ lực để chuẩn bị và trình bày chương trình hành động của mình, họ rất cần có thêm sự tiếp sức thật sự công tâm của cử tri cả nước và từng địa phương, trong việc không định kiến khi quyết định lựa chọn ứng cử viên theo giới tính. Mỗi người đều tự tay đi bỏ lá phiếu bầu cử của mình góp phần để cơ hội trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của các ứng cử viên nữ trở thành hiện thực.

Về lâu dài, để chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 để bảo đảm bình đẳng giới thực sự trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng, phù hợp với quy định “đến năm 2030 tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35%” trong Nghị quyết số 26-NQ/TWngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ, cũng như quy định về lộ trình đến năm 2025 tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đến đạt trên 30% và đến năm 2030 đạt trên 35% trong Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

ThS. HÀ THỊ THANH VÂN - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Xã Quang Minh: Đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển

Xã Quang Minh: Đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển

(PNTĐ) - Sáng 1/7/2025, HĐND xã Quang Minh khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất với nhiều nội dung quan trọng về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh sau sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.