Góc nhìn:

Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội

Hoàng Nhất
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên độc lập của dân tộc và đất nước. Đó là lần đầu tiên, nước Việt nam có tên trên bản đồ thế giới với vị thế là một quốc gia độc lập, có chủ quyền lãnh thổ. Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh trên mọi mặt trận, mọi phương diện để bảo vệ nền độc lập, bảo vệ quyền tự do, giữ vững chủ quyền lãnh thổ với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ngày 2/9/1945, khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Lời tuyên bố đó đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta, nhân dân ta trong quá trình đấu tranh dành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước sau này. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giá trị đích thực của độc lập dân tộc chỉ có thể đạt được trong chủ nghĩa xã hội (CNXH). Như vậy, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH phải là mục tiêu được đặt lên hàng đầu trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước. 

Kiên định với mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra và tiếp tục nhấn mạnh về mục tiêu độc lập dân tộc. Đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư, để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải  đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phải bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tổng Bí thư cho rằng cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển. 

Sự kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi tham dự phiên toàn thể tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” vào tháng 6/2022. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế là 1 trong 9 mối quan hệ được Đảng ta khẳng định.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.