Gỡ khó cho các thiết chế văn hóa từ quy định về quản lý và sử dụng tài sản công
(PNTĐ) -Đến tham dự một cuộc họp tại Bảo tàng Hà Nội nhưng cuộc họp lại bị hoãn, tôi loay hoay tìm một quán cafe trong bảo tàng để có thể nghỉ ngơi một chút trong ngày nắng nóng, nhưng chợt thấy rằng, không có một không gian dành cho cafe giải khát trong bảo tàng này.
Trả lời thắc mắc của tôi, những người quản lý ở đây cho biết rằng, từ khi có Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, thì việc kinh doanh giải khát của bảo tàng đã không được thực hiện.
Câu chuyện này đã xảy ra được một thời gian, và chính là một trong số những vấn đề cần phải tháo gỡ như theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội thảo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là: “Các nguồn lực xã hội cho văn hóa chưa được khơi thông do nhiều nguyên nhân, nhất là về thể chế và chính sách”.
Tôi đã đi nhiều bảo tàng trên thế giới, kể cả những bảo tàng lớn như Louvre, Bảo tàng Anh, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ... Một trong những điểm hấp dẫn tạo nên thành công và sức thu hút của bảo tàng chính là việc các bảo tàng là một không gian công cộng, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, trong đó lấy các bộ sưu tập hiện vật làm trung tâm, các dịch vụ như cửa hàng lưu niệm, không gian dịch vụ giải khát tạo thuận lợi cho hoạt động của du khách.
Chúng ta biết rằng, du khách đến với bảo tàng vì nhiều những lý do khác nhau và cũng có những nhu cầu khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là bảo tàng phải đáp ứng mọi nhu cầu của du khách vì bảo tàng có những tôn chỉ mục đích riêng của mình, nhưng nếu không lấy nhu cầu của du khách làm trung tâm, từ đó xây dựng thương hiệu cho bảo tàng thì thiết chế này sẽ không hoạt động hiệu quả.
Kể cả chúng ta không coi việc kinh doanh giải khát, bán hàng lưu niệm là mục đích chính của bảo tàng thì đó cũng là nhu cầu tự thân của du khách. Không những thế, việc tiến hành kinh doanh ở bảo tàng còn tạo ra lợi nhuận kép cho cả hai bên: Đối với người kinh doanh, họ có nguồn khách lớn từ chính khách tham quan; trong khi đó, nhiều khi bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút nhiều hơn là vì những hoạt động kinh doanh phụ trợ này.
Một khách tham quan có thể đến tiếp khách, uống cafe vì họ nghĩ rằng không gian cafe ở bảo tàng là sang trọng, xứng tầm với họ; nhưng đồng thời, những người đến bảo tàng cũng có thể cần nghỉ ngơi và họ lựa chọn khu vực giải khát như là một cách để nghỉ ngơi, thư giãn. Không phải ngẫu nhiên mà trong kế hoạch của Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019 đã lựa chọn Bảo tàng Hà Nội là một trung tâm sáng tạo của Thành phố.
Để trở thành một không gian sáng tạo, chắc chắn bảo tàng cần phải có nhiều hoạt động khác nhau. Chẳng hạn như cần tạo ra một môi trường thân thiện và sáng tạo phục vụ trưng bày cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, và các nhà sáng tạo khác để họ có thể thể hiện ý tưởng và tài năng của mình. Cần hợp tác với các tổ chức và cộng đồng sáng tạo để mang lại cơ hội đổi mới và tạo ra mối quan hệ cộng đồng mạnh mẽ, thúc đẩy sự sáng tạo và trao đổi ý tưởng.
Bảo tàng Hà Nội có thể tạo ra các liên kết và hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp khác để phát triển các hoạt động sáng tạo, bao gồm các tổ chức giáo dục, các trung tâm nghệ thuật và các doanh nghiệp tài trợ. Hoặc cần tổ chức các sự kiện và hoạt động sáng tạo nhằm thu hút những người đam mê nghệ thuật và sáng tạo đến tham gia, giao lưu và chia sẻ ý tưởng của họ. Tất cả các hoạt động này đều cần có sự thông thoáng trong các quy định của Nhà nước, đặc biệt là đối với các văn bản như Nghị định 151/2017 về quản lý, sử dụng tài sản công hay cả về hợp tác công – tư (PPP).
Chúng ta biết Nghị định 151/2017 không cấm các tổ chức văn hóa, nghệ thuật nói chung, bảo tàng nói riêng liên doanh, liên kết, nhưng việc có quá nhiều quy định không hợp lý đã khiến cho từ khi văn bản này được ban hành, các hoạt động liên doanh, liên kết hầu như bị tê liệt. Điều này đến gặp khó khăn đến từ việc đất và tài sản của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật thường không được sử dụng để mục đích kinh doanh mà là để phục vụ công tác văn hóa, nghệ thuật và giáo dục.
Việc định giá trị của các tài sản này không phải là điều dễ dàng, nhất là các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật. Việc định giá các tài sản này cần sự chuyên môn và tinh tế, tránh đánh giá quá cao hoặc quá thấp, chưa kể các tài sản vô hình như quyền tác giả, quyền tác phẩm… việc định giá các tài sản này sẽ cần phải dựa trên nguyên tắc và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc định giá còn có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như vị trí, diện tích, tiện ích xung quanh… việc đánh giá này cần phải có sự tư vấn của chuyên gia phụ trách để đảm bảo tính chính xác và khách quan.
Điều này kết hợp với sự thiếu hiểu biết về nhiệm vụ đặc thù của văn hóa, cũng có cả phần bị động, thiếu kinh nghiệm, né tránh trách nhiệm của chính các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khiến cho việc triển khai Nghị định 151/2017 càng trở nên khó khăn. Hệ quả là các tổ chức văn hóa, nghệ thuật vừa không có doanh thu tăng thêm, vừa không có hoạt động thu hút du khách. Điều này dẫn đến một vòng xoáy của sự luẩn quẩn: Không có hoạt động - không có khách - không có hoạt động.
Đây là câu chuyện không chỉ xảy ra với riêng Bảo tàng Hà Nội, mà còn đúng với các thiết chế văn hóa khác trên cả nước. Chúng ta đang thấy tồn tại trong xã hội hiện tượng khác nhau giữa đúng và hợp lý. Nếu làm đúng luật, tức là theo đúng quy định trong Nghị định 151/2017 thì quá rắc rối tới mức không khả thi, không hợp lý so với thực tế hoạt động của các thiết chế văn hóa, ở đó, họ cần phải là trung tâm, địa điểm văn hóa công cộng, dành cho mọi người, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu như ăn nhẹ, giải khát, có chỗ mua đồ lưu niệm.
Còn nếu xử lý theo kiểu linh hoạt, hợp lý với đòi hỏi thực tiễn cuộc sống thì lại không đúng luật. Trong bối cảnh hiện nay, khi ai cũng sợ làm sai quy định của pháp luật, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật chứ không muốn đứng trước hội đồng xét xử”, thì tính sáng tạo, linh hoạt để phù hợp với sự đa dạng của cuộc sống và nền kinh tế thị trường cũng bị thui chột theo. Chính vì thế, cách tốt nhất là chúng ta cần phải làm cho cái đúng và cái hợp lý song hành với nhau.
Tôi ủng hộ cách Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Nghị định 151/2017 cho phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, và cũng mong rằng, sự sinh động, phong phú từ những ví dụ như của Bảo tàng Hà Nội nói riêng, các thiết chế văn hóa nói chung, sẽ được bao quát và xử lý trong lần sửa đổi Nghị định 151/2017 lần này.
Từ đó giúp việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến văn hóa đáp ứng được các yêu cầu như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt ra, là phải tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa, phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế, cũng như chú trọng tính đặc thù của văn hóa, và giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế.