Hà Nội 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 17/10, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị làm việc giữa đoàn khảo sát (Nhóm 1, Nhóm 6) Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hà Nội là địa bàn rất quan trọng, vừa là Thủ đô, vừa là trung tâm về chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của đất nước. Để chuẩn bị tổng kết 40 năm về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, báo cáo về 40 năm đổi mới có tầm quan trọng đặc biệt, giúp nhìn nhận lịch sử qua 40 năm, rút ra những bài học còn nguyên giá trị, kế thừa và tiếp tục trong đường lối đổi mới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, yêu cầu thực tiễn đổi mới như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là nguyên tắc quan trọng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Theo đó, thực tiễn của Hà Nội là hình ảnh thu nhỏ nhưng rất quan trọng để nhìn nhận toàn diện về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Hà Nội 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa - ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội là không dài song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.

Theo đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ Thành phố luôn coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đạt được kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường đang từng bước được hoàn thiện. Vị thế Thủ đô trên trường quốc tế được nâng cao.

Văn hóa – xã hội sau gần 40 năm đổi mới, từ lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc và nổi bật trên một số mặt. Sự nghiệp văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; y tế; khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ…

Từ những kết quả trên, Phó Bí thư Thành uỷ cho biết, Hà Nội rút ra 8 bài học kinh nghiệm: Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô luôn “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” theo đúng tinh thần Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.

Luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của Thủ đô. Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo, coi trọng đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của Thành phố. Ðổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”.

Trong quá trình đổi mới, phải tổ chức thực hiện quyết liệt với các bước đi, hình thức, cách làm phù hợp, hiệu quả; không để xảy ra tình trạng nóng vội, chủ quan, hấp tấp, vì sẽ gây mất ổn định, thậm chí rối loạn, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá. Phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá, những kết quả thành phố Hà Nội đã đạt được, cũng như những hạn chế, bất cập cùng những kiến nghị, đề xuất của Thành phố có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thực tiễn cho báo cáo tổng kết của Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Chính sự ổn định chung của Hà Nội đã tạo tiền đề quan trọng trong thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội như hiện nay”.

Nêu những đổi mới, có tính chất đột phá của Hà Nội như mở rộng địa giới hành chính, chú trọng vấn đề phát triển con người, công nghiệp văn hóa; đột phá bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…. Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, điều này thể hiện tầm nhìn từ rất sớm, rất xa của Hà Nội.

Một lần nữa nhấn mạnh việc tổng kết rất quan trọng, đây là yêu cầu thực tiễn của đất nước, Thủ đô, các địa phương, các ngành và là cơ sở quan trọng để Đoàn khảo sát tiếp thu, tổng hợp, Trưởng đoàn khảo sát Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn các ý kiến đóng góp thiết thực, có giá trị của các đại biểu và mong Hà Nội tiếp tục trao đổi, đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Hà Nội 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa - ảnh 2
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, Ban Thường vụ Thành ủy xác định đây không chỉ là dịp để cung cấp thông tin phục vụ công tác tổng kết lý luận, thực tiễn 40 năm qua của Đảng, mà còn là dịp để Đảng bộ, chính quyền Thành phố nhìn nhận, đánh giá, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để khắc phục các hạn chế trong công tác, cũng như đề xuất các kiến nghị với Trung ương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhằm tổng kết Nghị quyết Đại hội XVII  và chuẩn bị văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố.

Thay mặt Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ tiếp thu ý kiến của Đoàn khảo sát và khẳng định, sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo chuyên đề đảm bảo chất lượng, hiệu quả phục vụ công tác tổng kết 40 năm đổi mới của Thành phố và Trung ương. Đồng thời, mong muốn trong quá trình tổng kết, Đoàn công tác sẽ tiếp tục quan tâm, chia sẻ với Hà Nội và kiến nghị với Trung ương cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể mang tính khả thi nhằm giúp Hà Nội thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như đáp ứng mong muốn, sự kỳ vọng của Trung ương và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.