Hà Nội ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, địa phương sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải ngày 31/1/2023 ký ban hành Quyết định số 613/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của thành phố Hà Nội.

Mục đích của chương trình là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hà Nội ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 - ảnh 1
Bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán ngân sách địa phương được HĐND thành phố Hà Nội thông qua

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong năm 2023, thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán ngân sách địa phương được HĐND thành phố Hà Nội thông qua.

Trong đó, thành phố thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách khác thuộc trách nhiệm chi của các cấp ngân sách theo phân cấp; sử dụng 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2022 để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.

Đồng thời, thành phố cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu... để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác. Kiểm soát chặt chẽ công tác phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án, tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm đảm bảo tính tuân thủ các quy định và hiệu quả đầu tư công...

Thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục về đầu tư xây dựng, về bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí; ưu tiên nguồn lực vào các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Nhà nước phục vụ các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của thành phần kinh tế khác.

Thành phố tiếp tục thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, các dự án có tính chất liên vùng, các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của thành phố, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ, điều chuyển vốn đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ, không giải ngân được hoặc thừa vốn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.