Hà Nội phê duyệt danh mục các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng
(PNTĐ) - Sáng 10/7, tiếp tục kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết Ban hành Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).
Nghị quyết này nhằm thi hành khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024.
Ban hành Danh mục các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm:
Công trình phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị (bao gồm: Tuyến đường sắt đô thị ngầm, nhà ga ngầm và các công trình ngầm khác liên quan).

Công trình ngầm kết nối các công trình ngầm khác với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, TDTT,…).
Công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị (bao gồm: hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm).
Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cung cấp năng lượng, phục vụ chiếu sáng công cộng, viễn thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng, an toàn môi trường).
Công trình dịch vụ công cộng ngầm có chức năng văn hóa, thể thao, thương mại, phát triển du lịch.
Danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1), bao gồm:
Danh mục các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ngầm, gồm: 8 tuyến có tổng chiều dài khoảng 320,25km, 191 nhà ga, trong đó có 81,2km đi ngầm và 68 ga ngầm (chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).
Danh mục đầu tư xây dựng hầm giao thông đường bộ, bãi đỗ xe ngầm và công trình công cộng ngầm, gồm: 85 công trình, trong đó có 5 hầm chui đường bộ, 78 bãi đỗ xe ngầm và 02 công trình công cộng ngầm (chi tiết tại Phụ lục II-a và Phụ lục II-b kèm theo).
Danh mục các tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung, gồm: 95 tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung (chi tiết tại Phụ lục III kèm theo).

Về tổ chức thực hiện, UBND Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng công trình ngầm theo quy định tại Điều 1 và các danh mục tại Điều 2.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung danh mục phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn chi tiết về các cơ chế chính sách ưu đãi, trình cấp thẩm quyền ban hành theo quy định; Định kỳ hằng năm rà soát, trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục khi có dự án phát sinh đột xuất (nếu có) để đảm bảo tính linh hoạt.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm đang thực hiện (có hoặc không có trong danh mục) tiếp tục thực hiện theo kế hoạch, tiến độ đã được phê duyệt.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký.