Hà Nội tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy

Chia sẻ

Chiều 20/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết, dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của thành phố Hà Nội lấy ý kiến qua 4 vòng, gắn với 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII). “Sau hội nghị, UBND thành phố tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia và người dân Thủ đô trước khi trình Thường trực Thành ủy và HĐND thành phố thông qua”, Chủ tịch UBND thành phố nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Trình bày dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự thảo gồm 3 phần, 10 chương và 37 mục, 6 phụ lục. Nội dung gồm: Phần 1 là đánh giá về bối cảnh, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) trong 11 ngành, lĩnh vực chủ yếu; phần 2, dự thảo báo cáo về khó khăn, thuận lợi trong xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; phần 3, đề xuất 6 cân đối lớn, 5 nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện kế hoạch.

“Qua rà soát, UBND thành phố đã đề ra 303 nhiệm vụ trọng tâm thuộc 9 lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội gắn với 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII)”, đồng chí Đỗ Anh Tuấn nói.

Mục tiêu tổng quát của dự thảo kế hoạch là đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người/năm đạt 8.300-8.500 USD.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng từ 7,5 đến 8%. Về văn hóa - xã hội, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 86-88%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 80-85%; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo 75-80%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố...

Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 40%, nông thôn mới kiểu mẫu là 20%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 100%; tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch là 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn là 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là 30-35%...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, theo dự thảo kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Công Thương Hà Nội rất lớn, trong đó Sở sẽ phối hợp tập trung phát triển thêm 2-3 khu công nghiệp mới; hoàn thành 43 cụm công nghiệp đã có trong kế hoạch và phát triển thêm 46 cụm công nghiệp khác. Sở sẽ tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xác định ngành nghề chủ lực, mũi nhọn; tạo tiền đề phát triển sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 117 sản phẩm công nghiệp chủ lực, phần lớn là các sản phẩm cho doanh thu nghìn tỷ đồng… Ngoài ra, Sở sẽ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, tiểu thủ công nghiệp; thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, trước hết là đầu tư 5 chợ đầu mối và cải tạo, xây dựng hệ thống chợ ở khu vực nông thôn; đồng thời phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, 5 năm tới, khó nhất trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là phải huy động được sự tham gia của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải làm đầu tàu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. “Tuy khó khăn lớn hiện nay để thu hút doanh nghiệp là mặt bằng đất đai, chúng tôi đề nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện giải quyết vấn đề này”, đồng chí Tạ Văn Tường nói. 

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, chỉ tiêu trong dự thảo kế hoạch đặt ra đến năm 2025 là đạt 35 triệu khách du lịch với tổng doanh thu hơn 150.000 tỷ đồng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Để thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng trong thời gian tới là phải bảo đảm môi trường an toàn để đón khách quốc tế. Sở đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ đón khách quốc tế trở lại. Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch, Sở sẽ tập trung ra sản phẩm độc đáo, tập trung vào các sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng du lịch.

“Chúng tôi sẽ coi trọng phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số. Sở xin đăng ký là đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số”, đồng chí Trần Trung Hiếu nêu rõ. Sở Du lịch cũng khẳng định sẽ phối hợp với các ngành, địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm.

Liên quan đến phát triển du lịch, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, địa bàn Hoàn Kiếm xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch và quận đang chuyển hướng mạnh mẽ, tập trung cho quy hoạch, củng cố lại chức năng của các khu vực; phát triển kinh tế đêm, tổ chức các không gian phố đi bộ gắn với các phố nghề; cải tạo hạ tầng, ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị, phát triển du lịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với dịch bệnh có diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát đã được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố chỉ rõ, các chỉ tiêu cụ thể cũng được nêu rõ trong 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII).

“Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát cụ thể, rõ trách nhiệm phần việc của từng đơn vị, bởi một số chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người; thu gom xử lý 100% rác thải hằng ngày; xử lý nước thải; cấp nước sạch cho 100% đô thị nông thôn… là cao. Từ đó phải có những đề án, dự án cụ thể trong kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đó…”, đồng chí Nguyễn Trọng Đông nói.

Đồng chí Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu cần xác định việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh, thành phố, hiệu quả kinh tế - xã hội hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành, rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.

“Dự thảo có 303 nhiệm vụ giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải rõ ràng hơn, tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII)”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

P.H

Tin cùng chuyên mục

 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.