Hạt giống đỏ trên đất Bắc

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Câu chuyện về cuộc đời của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm và chị Trần Cẩm Nhung là một bài học làm người bổ ích cho lớp trẻ hôm nay, đặc biệt các doanh nghiệp trẻ trên con đường lập nghiệp

Đúng năm đói Ất Dậu 1945 - năm “trở dạ” của Nhà nước công nông Việt Nam thì Lê Văn Kiểm chào đời tại thôn Vĩ Dạ, TP. Huế. Được một tuổi anh đã theo ba mẹ lên chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) và mới 4 tuổi thì ba của anh đã anh dũng hy sinh.

Năm 1954, ông Kiểm may mắn là một trong hơn 32.000 con em cán bộ miền Nam được Đảng, Nhà nước đưa ra học tập tại đất Bắc. Hồi đó, ông chưa tròn 9 tuổi.

Năm 1964, ông Lê Văn Kiểm trúng tuyển vào trường Đại học Thủy Lợi. Học được một năm thì anh hăng hái tham gia quân đội. Đang học tập, bồi dưỡng sức khỏe tại sân bay Bạch Mai để sang Liên Xô học quân sự thì cấp trên yêu cầu anh trở lại trường Đại học Thủy lợi tiếp tục học tập vì là con duy nhất của liệt sĩ. Năm 1969, khi tốt nghiệp Đại học cũng là duyên trời ông gặp và đem lòng yêu mến cô sinh viên Đại học tổng hợp hóa Trần Cẩm Nhung cũng là một học sinh miền Nam theo gia đình tập kết Bắc học tập - có nhiều nét đồng cảm với anh. Hai ông bà đã có một đám cưới giản dị mà ấm cúng vào ngày 30/4/1970. Tờ giấy kết hôn dù đã nhuốm màu thời gian 54 năm, nhưng vẫn mãi là kỷ vật luôn được vợ chồng ông trân quý.

Vài tháng sau, với lòng yêu nước, khao khát cống hiến sức trẻ và noi gương thế hệ cha ông, một lần nữa Lê Văn Kiểm chích máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Rèn luyện trong Quân đội được 3 năm thì năm 1973 anh xung phong vào chiến trường miền Nam. Lội bộ vượt Trường Sơn, qua Nam Lào, Campuchia anh vào Tây Ninh, Bình Phước nếm trải những trận sốt rét ác tính, vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy. Lửa thử vàng. Chính những năm tháng ấy đã tôi luyện, hun đúc nên ý chí và bản lĩnh kiên cường của người quân nhân Lê Văn Kiểm.

Chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được điều về Ban Giao thông công chánh của Trung ương Cục, làm nhiệm vụ khảo sát, vạch tuyến để bộ đội chủ lực từ Tây Ninh tiến nhanh về cắt đứt lộ 4 (nay là quốc lộ 1), chặn quân địch tiếp viện từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn.

Ngày 27/4/1975, ông tham gia Đoàn tiếp quản thành phố Sài Gòn. Tối 29/4/1975, ông cùng Đoàn của Trung ương Cục ém tại cánh rừng cao su huyện Củ Chi, áp sát Sài Gòn. Đến 14 giờ ngày 30/4/1975 lịch sử, ông cùng các đồng đội tiếp quản khu nhà 94 Công Lý, Quận 1 (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và làm nhiệm vụ Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Đất nước thống nhất, ông Lê Văn Kiểm tham gia Ủy ban Quân quản và vợ ông chuyển vào Sài Gòn, công tác tại Chi nhánh Công ty XNK Tạp phẩm Việt Nam. Những năm sau giải phóng, thiếu thốn trăm bề. Ông bà mới “chân ướt chân ráo” vào định cư lại nuôi hai con nhỏ nên khó khăn chồng chất. Không chịu bó tay. Với kiến thức của kỹ sư hóa, chị nghiên cứu ép hạt cao su để làm dầu bóng pha vào sơn, làm bột màu và bã thì chế biến làm thức ăn gia súc và phân bón. Từ sáng kiến ấy, anh chị thoát nghèo và giàu lên khá nhanh.

Hạt giống đỏ trên đất Bắc - ảnh 1
Vợ chồng ông Lê Văn Kiểm - bà Trần Cẩm Nhung tham dự Lễ Kỷ niệm 70 năm gặp mặt trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Năm 1986, khi Đảng và Nhà nước khởi xướng công cuộc đổi mới, vợ chồng ông thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng, sau chuyển thành Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng. Ngày ấy đảng viên không được làm kinh tế. Nhưng đất nước còn nghèo, không thể chịu đói. Dù vẫn một lòng tin yêu Đảng song anh đành xin ra khỏi Đảng để quyết chí trên mặt trận mới.

Ông  bà tập trung đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ và tiên tiến nhất được nhập từ Nhật Bản và Italia, tạo nên doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn và hiện đại nhất nước ta lúc ấy. Sẵn kinh nghiệm nhiều năm làm xuất khẩu của Bộ Ngoại thương, chị bàn với chồng xuất khẩu hàng. Thế là công ty của anh chị trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất hàng may mặc sang thị trường Mỹ. Năm 1990, công ty mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, xây dựng nhà cửa, triển khai  hàng chục dự án - có dự án vốn đầu tư hàng chục triệu USD.

Đến nay, mọi người vẫn nhớ đến điểm nóng giải quyết nạn kẹt xe trầm trọng tại nút giao thông Hàng Xanh - cửa ngõ vào TP. Hồ Chí Minh. Kỹ sư Lê Văn Kiểm đã mạnh dạn nhận công trình này và đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì công trình hoàn thành với chất lượng tốt, hiệu quả cao, sử dụng hơn 25 năm mà không cần phải tu sửa. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ công trình này, gia đình anh đã đóng góp vào xây dựng đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Bến Dược, huyện Củ Chi.

Vì yêu thích môn “thể thao quý tộc”, năm 1999, ông tham gia đội tuyển Golf quốc gia dự Sea Games 19 tại Brunay nên nảy ý định làm sân golf.  Ý định của ông chuyển thành quyết tâm của bà. Ông bà nghiên cứu quy hoạch, trồng cây, đào hồ…và trực tiếp cùng công nhân quần quật làm việc ngoài sân golf, bất kể nắng, mưa. Đây là sân Golf đầu tiên của Việt Nam hoàn toàn do anh chị tự quy hoạch, thiết kế, lập kế hoạch thi công xây dựng và tự quản lý điều hành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đa phần cán bộ CNV trong công ty là con em các gia đình chính sách và bộ đội phục viên, xuất ngũ cùng các hộ nghèo tại địa phương

Sau thành công của sân golf Long Thành và sân golf Long Viên – thuộc Đặc khu kinh tế tại Lào, doanh nhân Lê Văn Kiểm tiếp tục đầu tư đưa vào hoạt động sân golf KN Golf Links - một hạng mục thuộc Quần thể Đô thị - Giải trí – Nghỉ dưỡng KN Paradise. KN Golf Links đã được vinh danh là sân golf mới tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương tại Asian Golf Awards 2018.

Kỷ lục về công tác nhân đạo xã hội

Lao động sáng tạo, hình thành những sản phẩm có giá trị cao, đúng đẳng cấp doanh nhân thành đạt, vợ chồng Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung đã thực hiện tâm nguyện tốt đẹp của mình là giúp đỡ cộng đồng, thực hiện các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, tri ân đồng đội và những người có công với đất nước. Số tiền mà ông bà dành cho công tác từ thiện xã hội ở trong và ngoài nước, tri ân đồng đội, đồng bào, đóng góp vào sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước trong hơn 10 năm qua là trên 2.000 tỷ đồng. Đó là một kỷ lục Việt Nam.

Trước đó ông bà đã nhận kỷ lục thế giới. Năm 2017, Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm - được tôn vinh là một trong 12 Kỷ lục gia và Đơn vị sở hữu Kỷ lục đầu tiên của Việt Nam và Doanh nhân Trần Cẩm Nhung thay mặt Công ty nhận kỷ lục thế giới về việc sáng kiến tổ chức Giải Golf từ thiện quy tụ nhiều tấm lòng nhân ái.

Trước đó, năm 2016 Công ty đã nhận Kỷ lục Đông Dương và Châu Á: “Người sáng lập và khởi sướng Sự kiện giải Golf từ thiện lớn nhất VN và khu vực Đông Dương”.

Năm 2019, tạp chí Forbes (tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới) đã bình chọn và công bố danh sách 30 “Anh hùng từ thiện” khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có hai “Anh hùng từ thiện” là doanh nhân Việt Nam: Ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung - xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vinh dự, tự hào cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ngày 28/11/2020, tại buổi lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm lần thứ hai được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. (Lần thứ nhất năm 2008). Và điều đặc biệt là tại buổi lễ trang trọng này, đôi vợ chồng Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung cùng bước lên vị trí danh dự để nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử phong trào thi đua yêu nước của Việt Nam - vợ chồng cùng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong một ngày.

Hạt giống đỏ trên đất Bắc - ảnh 2
Ông Lê Văn Kiểm đại diện cho những học sinh thành đạt phát biểu tại buổi lễ Kỷ niệm 70 năm gặp mặt trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Đặc biệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19, gia đình doanh nhân Lê Văn Kiểm đã đóng góp 600 tỷ đồng - một con số kỷ lục.

Hạt giống đỏ trên đất Bắc - ảnh 3
Ông Lê Văn Kiểm trao 500 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và 100 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. 

Trong đó 500 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và 100 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam anh đã phát động phong trào hỗ trợ chống dịch trong Hiệp hội. Trong năm qua Hiệp hội đã quyên góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch trên phạm vi cả nước đồng thời giúp nhau sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, chung sức cùng địa phương chống dịch.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an nhận định: Tôi đã nhiều lần chứng kiến những việc làm của gia đình anh chị Lê Văn Kiểm – Trần Thị Nhung đối với đất nước, với cộng đồng xã hội, với nhân dân các nước bạn Lào, Campuchia, Cuba… cho tới những dự định của anh chị trong việc mở mang, phát triển kinh tế nhằm góp phần đem tới phồn vinh, hạnh phúc cho đất nước, cho xã hôi, cho cộng đồng dân sinh. Những khát vọng đó của anh chị Lê Văn Kiểm – Trần Cẩm Nhung cần được ủng hộ kịp thời cũng như một sự hỗ trợ thiết thực để những dự định tốt đẹp của anh chị sẽ trở thành hiện thực sinh động trong công cuộc đổi mới đất nước. Biết anh chị từ những ngày còn là những cô cậu học trò của mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cho tới ngày hôm nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vui mừng và tự hào trước sự thành đạt với những cống hiến của hai bạn đối với đất nước và xã hội. Niềm tự hào đó không phải của riêng tôi mà còn của thế hệ học sinh miền Nam trên miền Bắc năm xưa. Bởi từ những mái trường đó với công lao nuôi dạy của Đảng và Bác Hồ, của cá thầy cô giáo đã hết lòng vì học sinh thân yêu mà chúng tôi đã trưởng thành. Câu chuyện về cuộc đời của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm và chị Trần Cẩm Nhung sẽ là một bài học làm người bổ ích cho lớp trẻ hôm nay, đặc biệt các doanh nghiệp trẻ trên con đường lập nghiệp”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thêm một mái ấm tình thương của Báo Hội tới hội viên phụ nữ khó khăn

Thêm một mái ấm tình thương của Báo Hội tới hội viên phụ nữ khó khăn

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình an sinh xã hội phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngày 25/10, Báo Phụ nữ Thủ đô và Hội LHPN huyện Thạch Thất tổ chức khánh thành và bàn giao nhà mái ấm tình thương cho gia đình bà Nguyễn Thị Viện, hội viên phụ nữ thôn Đoàn Kết, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội).