Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác sản xuất
(PNTĐ) - Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng, quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND); hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp" vào chiều 17/5, tại thị xã Sơn Tây.
Dự hội nghị, có Uỷ viên Ban Thường vụ, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn; Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Kim Hoa; các đồng chí Thường trực, lãnh đạo, cán bộ Ban phụ trách Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân 28 tỉnh, thành phố; Thường trực, lãnh đạo các phòng Ban, Trung tâm, Ban Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân thành phố Hà Nội và đại diện lãnh đạo Hội Nông dân 18 huyện, thị xã.
Theo báo cáo kết quả Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Đề án kiện toàn tổ chức và của Quỹ HTND theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP; hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội đang quản lý hơn 785 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội lớn nhất cả nước và có số lượng hội viên nông dân hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã không ngừng phát triển giúp hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các mô hình sản xuất theo nhóm hộ, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; khai thác tiềm năng, thế mạnh từng địa phương. Thu hút nông dân tham gia tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong trong quá trình triển khai hoạt động quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân TP Hà Nội có thuận lợi là được sự quan tâm của Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Điều hành Quỹ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương; sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp bổ sung nguồn vốn ngân sách cho Quỹ Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Hội Nông dân TP Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh & Xã hội Thành phố trong công tác điều hành Quỹ HTND và sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy các cấp chính quyền các huyện, thị xã.
Bên cạnh những thuận lợi, Hội Nông dân TP Hà Nội cũng gặp một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đó là: Nguồn vốn quỹ lớn, số lượng cán bộ làm công tác quản lý quỹ ở các cấp còn thiếu, ở cấp cơ sở thường xuyên có sự luân chuyển cán bộ nên ảnh hưởng đến công tác chuyên môn về Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hạn mức cho vay Quỹ Hỗ trợ nông dân còn thấp so với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hội viên nông dân.
Hội Nông dân TP Hà Nội chưa có phần mềm quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân. Cán bộ làm công tác nghiệp vụ Quỹ Hỗ trợ nông dân ở một số đơn vị có bằng cấp chưa đúng với vị trí chuyên môn. Công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi chưa được thường xuyên.
Thực hiện Nghị định 37/2023/NĐ-CP về lĩnh vực cho vay chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp khiến thu hẹp đối tượng cho vay, những địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, làng nghề... hội viên nông dân lại không được vay vốn.
Một số đơn vị Hội Nông dân cấp huyện gặp khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP do thiếu biên chế và trình độ chuyên môn phù hợp. Hiện nay vẫn chưa có thông tư, hướng dẫn thực hiện Nghị định 37/2023/NĐ-CP.
Thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức tổ chức sản xuất
Ông Nguyễn Nguyên Hùng khẳng định: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình các hộ sản xuất nông nghiệp, các trang trại, hợp tác xã, các cá nhân và doanh nghiệp thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản dựa trên việc áp dụng công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp... làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng xuất và chất lượng nông sản, cải tiến mẫu mã đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Về ứng dụng chuyển đổi số, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kỹ năng số cơ bản cho hội viên nông dân… Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức 72 lớp tập huấn, bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng ứng dụng CNTT trong hoạt động công tác Hội cho cho 6.480 lượt cán bộ chuyên trách và cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội.
Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp với Bưu điện Thành phố và Bưu điện các huyện, thị xã triển khai thỏa thuận hợp tác về "Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025". Đến nay đã phối hợp tổ chức 14 lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho 1.502 hội viên; tổ chức 8 lớp hướng dẫn các hộ kinh doanh dưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đến nay đã có trên 1.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Hội Nông dân TP Hà Nội cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR và xúc tiến thương mại nông sản.
Đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, gồm: 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 40 mô hình chăn nuôi; 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% giá trị nông nghiệp toàn Thành phố.
Về liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, ông Nguyễn Nguyên Hùng cho hay: Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với hơn 5.000 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung,... Trên cơ sở đó, đã phát triển được 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, đảm bảo đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, thông qua các ràng buộc trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi.
Tại hội nghị, các đại biểu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quản lý Quỹ HTND, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp và nêu các các khó khăn, đề xuất trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Chia sẻ hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương trao đổi về những nội dung quan trọng trong quá trình quản lý Quỹ HTND; ông Nguyễn Khắc Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam trao đổi về các nội dung cơ bản trong công tác hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội đề nghị Quỹ HTND các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý Quỹ HTND nói riêng và nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nói chung góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.