Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN tỉnh Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế
(PNTĐ) - Trong chuyến công tác, Đoàn Lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hội LHPN Hà Nội do đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực và đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tới tỉnh Lào Cai thăm các mô hình phát triển kinh tế như Homestay, du lịch trải nghiệm gắn với nghề truyền thống…
Ấn tượng của Đoàn là cách làm độc đáo, dám nghĩ, dám làm, với sự tâm huyết, các cơ sở đã và đang mang lại thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân, các chị em phụ nữ nơi đây.
Gìn giữ, bảo tồn và phát triển kinh tế từ những giá trị văn hóa truyền thống
Xác định được nhu cầu, thị hiếu của du khách khi lựa chọn trải nghiệm tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Hợp tác xã Mường Hoa đã đi tiên phong, từng bước hoàn thiện các tour khám phá bản làng mang đậm văn hóa dân tộc đã và đang thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia.
Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa tại thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa nằm trên tuyến đường trekking của du khách quốc tế với không gian của thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông và dân tộc Giáy xã Tả Van, du khách đi qua đây đều dừng chân. Đặc biệt, các tour của HTX Mường Hoa như: Tour vẽ sáp ong, khâu buộc thổ cẩm, tour nặn hương thảo mộc truyền thống hay tour trải nghiệm ẩm thực dân tộc Giáy đã mang lại thu nhập, tạo việc làm cho 7 thành viên chính thức và 13 thành viên tham gia thêu thổ cẩm, nặn hương…
Đoàn công tác chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của chị chị Sùng Thị Lan, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa. Với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, Hợp tác xã hoạt động ngày một hiệu quả, không chỉ gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các chị em phụ nữ trên địa bàn xã.
Sinh ra trong gia đình có 11 người con, bản thân chị Sùng Thị Lan là người con thứ 5, gia đình rất khó khăn, ngay từ nhỏ, Sùng Thị Lan đã được mẹ dạy cho việc thêu thùa trên những bộ quần áo thổ cẩm của dân tộc Mông. Lớn lên một chút, nhìn ra xung quanh, Sùng Thị Lan thấy ở quê hương Tả Van của mình, mọi người còn tự nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có của địa phương. Từ đó, chị luôn ấp ủ ước mơ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính những nghề truyền thống của quê hương.
Cơ hội đầu tiên đến với chị vào tháng 10/2017, khi Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai và Hội Liên hiệp phụ nữ Sa Pa cùng tổ chức CSIP (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng – CSIP) triển khai Đề án 939 (Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 (gọi tắt là Đề án 939), khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại hai thôn Tả Van Dáy 1 và Tả Van Dáy 2. Tổ chức CSIP và hội phụ nữ đã tạo cơ hội cho các chị tới tham quan, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội.
Sau chuyến đi đó, trở lại địa phương, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, phát triển bền vững, chị Sùng Thị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho một mô hình sản xuất vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng.
Tháng 9/2018, dưới sự hỗ trợ của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp,” chị Sùng Thị Lan đã thành lập HTX Mường Hoa, do chị làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống: Thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược.
Các sản phẩm của HTX được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất.
Chị Sùng Thị Lan cho biết: “Ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi tạo được công ăn cho nhiều người dân trong xã. Gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương”.
Nhằm hạn chế chất thải ra môi trường, hạ giá thành mặt hàng thủ công và nâng cao năng suất cho bà con, chị Lan đã triển khai mô hình tái chế thổ cẩm. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi Hợp tác xã thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân sẽ trở thành những bộ quần áo, váy, mũ, khăn đội đầu và những sản phẩm trang trí bằng thổ cẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm…
Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng, du khách nước ngoài không đến Việt Nam đông như trước nhưng những sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ bán ở địa phương, thông qua mạng xã hội Facebook, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc đã được rất nhiều người biết đến và ủng hộ, trong đó có những thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Không chỉ sản xuất các mặt hàng để bán, HTX Mường Hoa còn nhận các Tour du lịch cho du khách trải nghiệm thực tế, tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm.
Là thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp, chị Lương Thị Chanh xã Tả Van, thị xã Sa Pa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng. Chỉnh trang nhà cửa đón khách lưu trú, chị Chanh kết nối cùng các thành viên để hình thành tour dịch vụ trải nghiệm, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Mô hình du lịch lưu trú gắn với trải nghiệm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đang thu hút nhiều khách du lịch. Ngoài vẻ đẹp của cảnh quan thì kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách là yếu tố giúp du khách hài lòng.
Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp vì sự phát triển cộng đồng thị xã Sa Pa đã thu hút trên nhiều thành viên. Duy trì hoạt động với nhiều mảng khác nhau như: homestay, ẩm thực, thổ cẩm, văn nghệ… với sự tương trợ lẫn nhau, kỹ năng làm du lịch của các thành viên ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Đã hình thành các tour trải nghiệm gắn với nông nghiệp, văn hoá truyền thống độc đáo.
Để có được thành công như hôm nay, cần sự nỗ lực, tâm huyết của cả một quá trình. Chia sẻ về điều này, chị Chanh cho hay: Tôi đã từng mang bụng bầu đi xe máy tới 36 phố phường của Hà Nội để tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đầu ra, giới thiệu homestay của mình và các mô hình trải nghiệm. Trau dồi kiến thức văn hóa, kiến thức ngoại ngữ để giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế.
Các chị là những phụ nữ dám nghĩ, dám làm vượt qua khó khăn để bước tới thành công. Hy vọng, trong tương lai, các chị sẽ có những mô hình, sang kiến độc đáo hơn để tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa, đồng thời giúp chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế gia đình và địa phương giàu mạnh
Gắn kết, sẻ chia kinh nghiệm cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng phong trào Hội vững mạnh
Sau khi thăm các mô hình kinh tế của chị em phụ nữ tại Thị xã Sapa, Đoàn có buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Lào Cai.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trân trọng cảm ơn Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã có những tham vấn để đoàn tham quan, trao đổi mô hình kinh tế hiệu quả trong những ngày công tác qua.
Chia sẻ những khó khăn mất mát đối với Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai, các chị em Hội LHPN tỉnh trong cơn bão số 3 vừa qua, đồng chí Phạm Thanh Hương cho biết, qua các ngày làm việc, Đoàn được tham quan mô hình kinh tế của các hội viên phụ nữ thấy rất ấn tượng, các bạn trẻ nhưng đã rất tự tin, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm say sưa tâm huyết yêu nghề của mình, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương vừa tạo việc làm cho lao động...
Nghệ nhân Thu Hương nón lá làng Chuông (Hà Nội) cũng kết nối được với các chị em tại đây để phát triển các sản phẩm không chỉ là nón lụa mà kết hợp nón in vải thổ cẩm, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, quảng bá được nghề truyền thống tới bạn bè trong và ngoài nước.
Chia sẻ những thông tin về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trong những năm qua Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể hoá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội trong các cấp Hội.
Nội dung tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là một nhiệm vụ được Hội xác định trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ động tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025” và Kế hoạch số 210 ngày 10/8/2023 thực hiện Đề án ‘Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030” với tổng số tiền của Đề án và Kế hoạch là gần 45 tỷ đồng. Đây chính là cơ chế để phát huy tốt vai trò của Hội trong tổ chức triển khai chương trình. Đồng thời tích cực thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học, chỉ đạo triển khai 10 đề án, kế hoạch, 2 cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, góp phần tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Chủ động ký kết chương trình liên tịch, văn bản thỏa thuận với các đơn vị có liên quan để phối hợp/hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội; Ngân hàng CSXH chi nhánh Thành phố, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn các chi nhánh Hà Nội, Hà Tây; Hiệp Hội nữ doanh nhân Thành phố; Công ty cổ phần nông nghiệp sạch...
Các cấp Hội đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới, phụ nữ vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng thành quả của chương trình. Do vậy chị em đã nỗ lực thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm mỗi cơ sở Hội triển khai một công trình, phần việc thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới; các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 04-CTr/TU, các tiêu chí về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường nông thôn, an toàn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, bên cạnh 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), bổ sung thêm tiêu chí sạch đồng ruộng.
Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân ủng hộ kinh phí, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Hội phụ nữ Thành phố đã tổ chức 12 hội nghị hội thảo, tọa đàm về vai trò phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn, “Sản xuất nông nghiệp xanh, tiêu dùng sản phẩm sạch vì sức khoẻ cộng đồng”, “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Các cấp Hội phụ nữ chủ động tín chấp, quản lý tốt nguồn vốn từ các Ngân hàng, tổ chức tín dụng số tiền là 9.692 tỷ 726 triệu đồng cho 160.355 hội viên vay phát triển kinh tế. Các cơ sở Hội phân công giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ, hướng dẫn kinh nghiệm tổ chức sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ vốn, cây, con giống, cải tạo nhà ở...
Kết quả trong 03 năm qua, đã giúp 1.133 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, 6.387 hộ ra khỏi diện cận nghèo, 4.897 hộ nâng cao mức sống . Tăng cường liên kết hướng nghiệp dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 2.643 lao động nữ nông thôn, kết nối giới thiệu việc làm cho 37.944/52.167 LĐ nữ nông thôn (chiếm 72,7%).
Triển khai có hiệu quả đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Tính đến ngày 30/9/2024, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 37 hợp tác xã, 41 tổ hợp tác và 93 tổ liên kết do phụ nữ làm chủ; Hỗ trợ 347 nữ chủ doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP. Tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm tại khu dân cư và các chương trình “Tuần Lễ vàng giới thiệu sản phẩm an toàn của phụ nữ Thủ đô”; trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP; kết nối hỗ trợ 650 doanh nghiệp, HTX do nữ làm chủ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trực tiếp và trực tuyến do các sở, ngành tổ chức. Kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ trên 1.500 tấn nông sản khó tiêu thụ do ảnh hưởng Covid 19.
“Từ 2021 đến nay, Hội LHPN Hà Nội phát động cuộc thi “Đoạn đường/Tuyến phố bích họa/nở hoa” kiểu mẫu do phụ nữ tự quản để tôn vinh, ghi nhận nỗ lực các cấp Hội trong việc huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Toàn Thành phố đã xây dựng và duy trì hiệu quả 1.365 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu, vẽ tranh bích họa do phụ nữ tự quản; 773 sân chơi/điểm sinh hoạt cộng đồng góp phần tích cực thay đổi diện mạo môi trường ở nông thôn. Hiện nay, các cấp Hội đang triển khai tích cực hai mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”.
Phong trào phụ nữ tham gia rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng thôn/làng văn hóa, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc được triển khai sâu rộng; Thành hội triển khai xây dựng 3 mô hình điểm “Tổ dân phố/thôn/xóm kiểu mẫu”, Chợ văn Minh - an toàn - hiệu quả”, “Di tích lịch sử/danh lam thắng cảnh kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng .
Triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương có điều kiện sống tốt hơn nhất là trong những năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, như: xây, sửa 328 mái ấm tình thương; chương trình “Đồng hành cùng con”, “Sóng và máy tính cho em”, “Tầm soát phát hiện sớm UTV, UTCTC cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố Hà Nội” … Chương trình “Mẹ đỡ đầu” qua 3 năm triển khai đã kết nối 387 tổ chức, cá nhân và cán bộ Hội nhận đỡ đầu hàng tháng 1.277 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí 9 tỷ 850 triệu đồng.
Có thể khẳng định hoạt động của các cấp Hội đã góp phần tích cực tạo sự đồng thuận, hăng hái tham gia của phụ nữ và nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 04 của Thành ủy.
Đồng chí Vũ Thị Tân – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội đã đến chia sẻ, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão sỗ 3. Đồng chí cho biết, Lào Cai có 25 dân tộc sinh sống, 2 cửa khẩu chính. Hiện nay, phụ nữ các cấp tích cực tham gia trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tính đến nay có 518 mô hình gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên có hơn 46 HTX ảnh hưởng sau bão. Nhiều mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với các nghị quyết của tỉnh.
Thực hiện kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng các văn bản chỉ đạo Hội LHPN các cấp triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2024, Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban TVTU ngày 16/02/2024 về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường” gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “5 có, 3 sạch” “Nhà sạch, vườn đẹp”.
Đồng chí Vũ Thị Tân – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội .
Hội LHPN tỉnh đã thống nhất chọn thôn Na Lo (xã Tà Chải, Bắc Hà) làm mô hình điểm. Đã tổ chức phát động triển khai hoạt động xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại xã Tà Chải huyện Bắc Hà có 150 người tham gia; trồng 5.000 cây cúc thân gỗ tại các tuyến đường thôn Na Lo, Na Kim, tiếp tục vận động người dân tham gia trồng dặm vào các đoạn đường cây thưa, cây chết...; tổ chức 04 lớp tập huấn cho 320 lượt người tham gia. Hiện nay, đã hoàn thiện 06 cổng sắt hoa tại 06 hộ làm homtay.
Thực hiện khâu đột phá Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh về “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường”, Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ. Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm về các nội dung hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, kinh doanh, thành lập mới 03 mô hình có 50 thành viên tham gia . Duy trì và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình gắn với mô hình sinh kế. Đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh đang hỗ trợ và quản lý hỗ trợ 110 mô hình kinh doanh/1719 thành viên . Qua đó đã tạo việc làm cho gần 2.000 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh, trong đó có lao động nữ là người dân tộc thiểu số, người yếu thế..
Thành lập mới 03 mô hình: 01 mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất quýt” do hội viên phụ nữ làm chủ (Lùng Khấu Nhin, Mường Khương) /30 thành viên; 01 mô hình “Tổ liên kết thêu may thổ cẩm Mông” có 15 thành viên tại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; 01 mô hình tổ nhóm dọn nhà sạch có 05 chị tham gia (thị trấn Khánh Yên, Văn Bàn).
Trong đó có 12 hợp tác xã /119 thành viên, 12 tổ hợp tác/200 thành viên, 69 tổ liên kết sản xuất/1100 thành viên, 12 nhóm phụ nữ cùng sở thích/189 thành viên, 5 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp/111 thành viên. Các mô hình cơ bản đều hoạt động có hiệu quả, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia làm chủ quản lý mô hình được hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện.
Riêng 2024 tỉnh xây dựng các mô hình điểm gắn bảo vệ môi trường và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Bão Yagi), trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, gây sạt lở, lũ ống lũ quét làm thiệt hại về người và tài sản nên các tuyến “Đường hoa nông thôn mới”, điện ngõ xóm bị ảnh hưởng nặng nề. Hội LHPN tỉnh đã thường xuyên nắm tình hình tư tưởng hội viên, phụ nữ, nhân dân thông qua tổ giúp việc Ban chỉ đạo XD nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã. Phối hợp với BCĐ Nông thôn mới xã chỉ đạo các đoàn thể xã tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom và sử lý rác thải sinh hoạt.
Đặc biệt tại buổi chia sẻ kinh nghiệm, khi nghe thông tin sau bão số 3 trên địa bàn tỉnh có 54 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mất mẹ, mất cha. Hội LHPN tỉnh đã kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ được 40 cháu, còn 14 cháu đang chờ sự giúp đỡ của các cơ quan, nhà hảo tâm, đồng chí Chị Trương Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ xin nhận đỡ đầu 1 cháu. Đồng chí cũng rất khâm phục, ngưỡng mộ các chị em, đặc biệt chị Hoa Chanh có bầu nhưng đi xe xuống Hà Nội tiếp thị đầu ra. Qua tinh thần, nghị lực này đã truyền lửa cho chị em không chỉ ở Lào Cai mà còn truyền lửa tới chị em phụ nữ Tây Hồ (Hà Nội).
Đồng chí Lê Thị Thiên Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chia sẻ thêm, từ 2021 đến nay Hội LHPN Hà Nội đã đỡ đầu gần 3 nghìn trẻ em, hàng năm đều tổ chức chắp cánh ước mơ cho em. Qua thông tin chia sẻ của Hội LHPN Lào Cai về tình hình trẻ em mồ côi, chương trình xóa nhà tạm, Hội LHPN Hà Nội sẽ về tuyên truyền các mạnh tường quân hỗ trợ các con và tuyên truyền để có những mái ấm hỗ trợ chị em có nơi an cư lạc nghiệp.
Chị Phạm Thị Tư Hậu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh, huyện Ba Vì xúc động khi những ngày qua được kể lại nhiều câu chuyện mất mát, đau thương của cán bộ, hội viên hội phụ nữ tỉnh Lào Cai. Qua chương trình công tác này, chị cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ chỗ ăn, ngủ, thu nhập ổn định cho 5 chị em phụ nữ, trẻ mồ côi trong độ tuổi lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chị gửi 10 triệu đồng tới 10 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí Vũ Thị Tân cảm ơn những tình cảm trân quý của Lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hội LHPN Hà Nội, đồng thời hy vọng trong thời gian tới Hội LHPN 2 đơn vị sẽ gắn kết, trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ nhau hơn nữa để phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào Hội.