Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

LINH NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, trong 94 năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và Trung ương Hội, đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt trong ứng dụng chuyển đổi số và liên kết, hợp tác sản xuất.

Sáng 12/10, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024); biểu dương nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2024, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 1
Các đại biểu dự hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí: Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cùng nhiều đại biểu, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của thành phố Hà Nội.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 2
Các tiết mục văn nghệ tại chương trình

Triển khai mạnh mẽ vào các phong trào thi đua

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự phát triển của Thủ đô. Với 88,3% diện tích tự nhiên và 63,5% dân số sinh sống ở nông thôn, các khu vực này có ý nghĩa đặc biệt đối với kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 3
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa phát biểu

“Hội Nông dân thành phố Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Chúng tôi đã xây dựng 3 chương trình công tác và 6 đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, và triển khai mạnh mẽ vào các phong trào thi đua và các cuộc vận động”- bà Phạm Hải Hoa nhấn mạnh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đã được đổi mới theo hướng đa dạng và phong phú. Hội đã tập trung tuyên truyền các nghị quyết của Đảng và chính sách của Thành phố đến với nông dân, đồng thời vận động họ tham gia tích cực vào việc xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở và phát huy tốt cơ chế dân chủ ở cơ sở.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 4
Các đại biểu dự hội nghị

Hiện nay, Hội Nông dân thành phố Hà Nội có 18 đơn vị cấp huyện, thị xã với 466.403 hội viên đang sinh hoạt tại 406 cơ sở, 2.463 chi hội và 4.597 tổ hội. Đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ, và phương thức hoạt động của Hội ngày càng được đổi mới, dẫn đến chất lượng công tác và phong trào thi đua trong nông dân ngày càng thiết thực, hiệu quả. Với những thành tựu đã đạt được, Hội Nông dân Hà Nội vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2023 và nhiều khen thưởng từ Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, và UBND Thành phố Hà Nội.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 5
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định: Trong 94 năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và Trung ương Hội, đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt trong ứng dụng chuyển đổi số và liên kết, hợp tác sản xuất. 

Đến nay, 72 công trình, mô hình về chuyển đổi số đã được triển khai; hơn 160.000 lượt cán bộ hội viên sử dụng ứng dụng Nông dân Việt Nam và App báo Dân Việt. Các phong trào thi đua như "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu" và "Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới" đã giúp xuất hiện nhiều mô hình điển hình, tạo sức mạnh đoàn kết trong nông dân Hà Nội. 

Phong trào “Hà Nội vì cả nước” cũng khẳng định vai trò của Hội thông qua sự phối hợp với 36 tỉnh/thành phố, đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 6
Các đại biểu tham quan các gian hàng

“Những thành tích của Hội được Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội ghi nhận qua nhiều phần thưởng cao quý. Hội cũng tích cực xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, tuần hoàn” – bà Bùi Thị Thơm nhấn mạnh và chỉ đạo: Trong thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, và nông dân văn minh. Tăng cường phối hợp với các ban ngành, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số, khuyến khích liên kết hợp tác sản xuất để nâng cao thu nhập. Đồng thời, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giám sát, phản biện xã hội và đề xuất chính sách phù hợp.

4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn mới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Hội Nông dân Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội không ngừng được nâng cao, với nhiều đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo và triển khai các hoạt động, đặc biệt là tập trung tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến hội viên. 

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 7
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu

Hội Nông dân đã bám sát và thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, và 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã đề ra, trong đó nổi bật là Chương trình 04 của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nhằm nâng cao đời sống nông dân trong giai đoạn 2021-2025.

Công tác xây dựng Hội tiếp tục được củng cố vững chắc, các cấp Hội đã động viên cán bộ, hội viên vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã được đưa vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 8
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng Hội Nông dân thành phố Hà Nội

Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Nổi bật là việc hoàn thành 94 công trình, phần việc, trong đó có 72 công trình chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật. Thành lập 23 chi hội nông dân nghề nghiệp với 389 thành viên; xây dựng và gắn biển cho 172 hàng cây, đường hoa; tổ chức Tuần hàng quảng bá nông sản với hơn 1.000 sản phẩm tại phố đi bộ Sơn Tây.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 9
Các đồng chí lãnh đạo trao khen thưởng Nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2024

Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua, Hội Nông dân đã huy động hàng nghìn hội viên tham gia ứng trực, khắc phục hậu quả sau bão số 3, đóng góp hơn 2,3 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng. Hội Nông dân Thành phố cũng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho hội viên, góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố về kinh tế, xã hội, và quốc phòng-an ninh. 

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 10
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai trao khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ những thách thức lớn đang đặt ra cho nông dân Thủ đô, bao gồm quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, và những thiệt hại nặng nề từ thiên tai như bão số 3. Đặc biệt, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, tình trạng ngập úng tại các huyện ngoại thành và khó khăn về lao động, việc làm là những vấn đề cần giải quyết khẩn trương. Trong bối cảnh đó, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp Hội Nông dân cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. 

Cụ thể là: Thứ nhất cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Thành ủy và cấp ủy Đảng. Cụ thể, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội; và Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Ngoài ra, cần chú trọng triển khai Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030. Các cấp Hội Nông dân cần tranh thủ sự ủng hộ của Chính quyền và các đoàn thể, đồng thời chủ động đề xuất các chương trình công tác cụ thể phù hợp với tình hình địa phương.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 11
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa trao khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân. Hội Nông dân thành phố Hà Nội phải đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong xây dựng nông thôn mới, hợp tác học hỏi kinh nghiệm, và ứng dụng các tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. Các hoạt động tập huấn, chuyển giao công nghệ và khai thác tiềm năng địa phương cần được đẩy mạnh để tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Thủ đô. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, và quản lý hiệu quả "Quỹ hỗ trợ nông dân".

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 12
Các đại biểu tham quan các gian hàng

Thứ ba, chỉ đạo các cấp Hội vận động nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhất là trong việc hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả sau bão số 3. Các biện pháp như hỗ trợ vốn, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi theo phương thức chậm trả cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng cửa hàng nông sản an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, và đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hội cũng cần vận động nông dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Thứ tư, cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền giải quyết các quyền lợi chính đáng của nông dân. Đồng thời, Hội cần tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, như thực hiện Luật Thủ đô, Luật dân chủ cơ sở, và Luật đất đai sửa đổi. Cuối cùng, cần chú trọng bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú để xem xét kết nạp vào Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 13
Các đại biểu chụp hình kỷ niệm

Nhân dịp này, có 20 tập thể, 20 cá nhân, 18 nông dân Thủ đô xuất sắc được thành phố khen thưởng là những điển hình tiên tiến trong các đợt cao điểm chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, 94 năm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam; trong sản xuất, kinh doanh, đạt danh hiệu Nông dân Thủ đô xuất sắc và có 1 nông dân Thủ đô được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Hội Nông dân TP Hà Nội: Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - ảnh 14
Hội nông dân thành phố Hà Nội phát động chương trình Nghĩa tình nông dân Thủ đô – Đoàn kết và sẻ chia năm 2024

Tại hội nghị, Hội nông dân thành phố Hà Nội phát động chương trình Nghĩa tình nông dân Thủ đô – Đoàn kết và sẻ chia năm 2024 với sự chung tay hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh giỏi thành phố.

Tin cùng chuyên mục

Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức

Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức

(PNTĐ) - Ngày 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tọa đàm trực tuyến “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”

Tọa đàm trực tuyến “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”

(PNTĐ) - Tọa đàm “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai” nhằm làm rõ những khó khăn, thách thức, cũng như đề xuất những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu nói trên. Ban tổ chức cùng các khách mời sẽ chia sẻ về định hướng phát triển của xe buýt Hà Nội trong tương lai, mà ở đó, xe buýt - một loại hình vận tải hành khách công cộng phổ biến, gắn với hình ảnh văn minh, thân thiện và hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến cảnh quan môi trường.
Vi phạm ở bãi tập kết than, cát ở xã Trung Mầu (Gia Lâm): Phải chăng xử lý “nửa vời”?

Vi phạm ở bãi tập kết than, cát ở xã Trung Mầu (Gia Lâm): Phải chăng xử lý “nửa vời”?

(PNTĐ) - Mặc dù UBND huyện Gia Lâm ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý đối với vi phạm ở bãi tập kết vật liệu xây dựng, nghiền than ở bờ sông Đuống thuộc địa phận xã Trung Mầu, đặc biệt là thực hiện ngay ngừng cung cấp điện đối với vi phạm, nhưng sau hơn 3 tháng đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để, còn có dấu hiệu hoạt động trở lại. Liệu chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng có “ngó lơ” cho vi phạm?