Hội thảo Văn hóa 2022:

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm”, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát biểu tại Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh: Đây là sự kiện chính trị - khoa học – văn hoá rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hoá, thực tiễn hoá và thể chế hoá việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021.

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm”, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa - ảnh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Làm cho văn hóa thật sự trở thành hồn cốt của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, đây cũng là dịp để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa và lĩnh vực khác thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nền văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa văn hóa và phát triển có nghĩa đặc biệt quan trọng để chúng ta khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và sức mạnh của con người Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành “hồn cốt” của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong suốt quá trình phát triển”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm. Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: Phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm qua. Phải chăng hệ thống luật pháp, các chiến lược, chính sách vẫn còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa được rà soát kịp thời để xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung cập nhật với tình hình mới.

Phải có đột phá thật sự, ban hành các chế, chính sách thật cụ thể

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm”, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa - ảnh 2
Quang cảnh hội thảo

Từ thực tiễn phát triển của nền văn hóa Việt Nam, tại Hội thảo này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề:

Thứ nhất là, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Môi trường thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật và các chính sách, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa. Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng vai trò, hiệu quả, nội dung của các luật, các chính sách hiện hành để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với đời sống thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở lĩnh vực văn hóa phát triển”.

 Hai là, đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, một vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta rất cần có khung khổ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dựa trên văn hóa, các giá trị văn hóa và con người; cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hóa, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển kinh tế. Phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tựu về phát triển văn hóa luôn mang lại hiệu ứng cộng hưởng trong các thành tựu phát triển chung.

Ba là, chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa.

Giữa thể chế, công nghệ và con người thì con người giữ vai trò quyết định nhất trong mọi quá trình phát triển. Trong phát triển văn hóa còn hơn thế: phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, luôn đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu của phát triển văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Muốn khơi dậy được giá trị văn hóa, phải khơi dậy được sức mạnh con người Việt Nam, trước hết là phẩm chất, năng lực, sự năng động và trách nhiệm của nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa rất cần xuất phát từ yếu tố đặc thù của lĩnh vực này, nghĩa là cùng với đào tạo, bồi dưỡng, họ rất cần được tôn trọng, khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh, được chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần. Quan tâm toàn diện đến cả chủ thể quản lý văn hóa và chủ thể sáng tạo, thực hành, truyền bá văn hóa”.

Bốn là, chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Mang bản chất là những ngành sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển rất lớn và đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế mới. Nhận thức rõ điều này, chúng ta đã đạt được sự thống nhất rằng, đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cũng chính là đầu tư phát triển; cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa, trong đó: ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số cùng với hạ tầng văn hóa - xã hội; phát triển các không gian văn hóa, thiết chế văn hóa, hạ tầng cho phát triển các sản phẩm văn hóa… để đồng thời với phát triển văn hóa, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, các di sản văn hóa và khai phá tiềm năng du lịch văn hóa của các địa phương.

Các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa rất đa dạng, có thể kể đến như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa... Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ưu tiên phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt, có tiềm năng, thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương.

Năm là, xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: “Phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người hiện nay, nhất là về: phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực phát triển văn hóa; cơ chế hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển văn hóa, quy hoạch phát triển của các địa phương giàu tiềm năng văn hóa,… để lĩnh vực văn hóa, con người có được những bước đột phá phát triển thật sự”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục