Hướng đến xây dựng một bộ máy xã, phường gần dân, sát dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng quản trị hiện đại

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Hà Nội đang đi đầu cả nước về phân cấp, ủy quyền từ thành phố xuống các quận, huyện. Chủ trương của thành phố là sau khi hình thành 126 xã, phường, sẽ tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa trên tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

“Đây là việc chúng ta tham gia, đóng góp, đặt nền móng cho tương lai, phát triển cho các đơn vị mới”

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025-2030 và Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, chiều 13/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhìn nhận: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ phát triển vô cùng thuận lợi. Định hướng phát triển, cơ chế chính sách đã có, vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện. Và muốn tổ chức thực hiện được, phải có bộ máy phù hợp, thích ứng được những yêu cầu mới của Trung ương đặt ra”.

Hướng đến xây dựng một bộ máy xã, phường gần dân, sát dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng quản trị hiện đại - ảnh 1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị

Trên cơ sở đó, đề cập việc triển khai thực hiện Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 9/5/2025 về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý một số vấn đề trọng tâm. Theo đó, yêu cầu thống nhất quan điểm đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức lại bộ máy và sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mục tiêu là hướng đến xây dựng một bộ máy xã, phường gần dân, sát dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng quản trị hiện đại, chuyên nghiệp và ứng dụng rộng rãi khoa học, kỹ thuật. Hà Nội hướng đến xây dựng Thành phố xanh, thông minh, hiện đại, kết nối toàn cầu, dẫn đầu cả nước về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về kinh tế... Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí các xã, phường mới phải đặt trong bối cảnh chung, tổng thể của cả thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, việc sắp xếp phải dựa trên cơ sở “vì việc, tìm người” và thông qua sản phẩm, kết quả cụ thể, được đánh giá bằng sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, bằng uy tín đối với nhân dân, đồng nghiệp; xác định chất lượng là quan trọng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng. Đặc biệt, lựa chọn cán bộ phải gắn với mục tiêu thực hiện được những chủ trương, định hướng lớn của Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; gắn với hai quy hoạch Thủ đô; phải có “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu và hành động Hà Nội”...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy giảm dần theo lộ trình 5 năm sẽ tác động rất nhiều đối tượng trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở. Quan điểm chung của Ban Thường vụ Thành ủy là rất trân trọng nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Chính nhờ nỗ lực, cố gắng đó, thành phố mới có kết quả như hiện nay, tạo nền tảng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Vì vậy, bên cạnh chế độ, chính sách của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo lập đề án về xây dựng các cơ chế, chính sách đối với các đối tượng bị tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong đó có chế độ, chính sách về nghỉ, tìm việc làm mới, đào tạo và đào tạo lại, bố trí công việc phù hợp...

“Việc này được thực hiện trên quan điểm không để ai không được quan tâm. Đây là trách nhiệm chung của thành phố, cũng như từng quận, huyện, thị xã hiện tại và 126 xã, phường sắp tới”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, đồng thời mong muốn toàn thể đội ngũ cán bộ thành phố, bao gồm cả các cán bộ không chuyên trách, thấy rõ và đồng tình, chia sẻ, ủng hộ chủ trương của Trung ương, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đang đi đầu cả nước về phân cấp, ủy quyền từ thành phố xuống các quận, huyện. Chủ trương của thành phố là sau khi hình thành 126 xã, phường, sẽ tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa trên tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ, thành phố cũng thống nhất, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ không bó hẹp trong phạm vi quận, huyện, nói cách khác là “phi địa giới” trên địa bàn thành phố; bảo đảm “có lên, có xuống”, “có ngang, có dọc”, “có vào, có ra” để thực hiện đúng tinh thần là vì việc, bố trí người.

Việc bố trí bộ máy của các xã, phường phải đồng đều, tương đương với nhau, bổ trợ, hỗ trợ cho nhau, tránh dồn về các phường, xã trung tâm, còn các xã ở xa trung tâm vốn đã có điều kiện khó khăn hơn thì lại bố trí đội ngũ không tương đương.

Dù còn 1 ngày, 1 giờ trên cương vị công tác, cũng phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu

“Khi chỉ đạo tổ chức hội nghị này, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo tôi trao đổi và đề nghị các đồng chí Bí thư các quận, huyện, thị ủy, dù còn 1 ngày, 1 giờ trên cương vị công tác, cũng phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện thật tốt công việc này”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.

Hướng đến xây dựng một bộ máy xã, phường gần dân, sát dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng quản trị hiện đại - ảnh 2
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Về Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, cơ bản hội nghị thống nhất, không có ý kiến bổ sung nên sau hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành để triển khai thực hiện.

Đối với nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý, việc xây dựng văn kiện đại hội xã, phường mới phải trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là tư duy mới, cách tiếp cận mới, thực chất, đi thẳng vào vấn đề, rất ngắn gọn, rõ đầu việc. Hiện nay, các phường, xã đã có dữ liệu để làm việc này, nên cần căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy, căn cứ vào quy hoạch, định hướng và không gian phát triển mới để xác định cụ thể các nội dung văn kiện.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Báo cáo chính trị Đại hội XIV của Đảng dự kiến có 42 trang, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII dự kiến cũng chỉ khoảng 40 trang và sẽ hoàn thành để nửa đầu tháng 6/2025 có thể gửi xuống cơ sở để lấy ý kiến đóng góp.

Đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao vừa qua, một số quận, huyện và Công an thành phố đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với tổ chức, với nhân dân, quan tâm làm tốt công tác quản lý địa phương.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, toàn thể cán bộ các cấp thành phố tiếp tục phát huy truyền thống gương mẫu, đi đầu của Hà Nội, phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện thật tốt cả hai nhiệm vụ quan trọng nêu trên, sắp xếp tổ chức bộ máy xã, phường mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả để chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII thành công tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục

Báo chí Thủ đô trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam

Báo chí Thủ đô trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam

(PNTĐ) - Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Trong suốt hành trình ấy, báo chí Thủ đô Hà Nội đã khẳng định vị trí tiên phong, bản lĩnh chính trị vững vàng, đóng vai trò “ngòi bút sắc bén” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ các hộ kinh doanh khi bãi bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026

Chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ các hộ kinh doanh khi bãi bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026

(PNTĐ) - Trả lời chất vấn của đại biểu về việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết của Đảng và Nhà nước. Bộ Tài chính đang chuẩn bị đồng bộ các điều kiện pháp lý và công nghệ để hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thuận lợi, giảm thiểu gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính.
Báo chí và sứ mệnh tiên phong trong kỷ nguyên mới

Báo chí và sứ mệnh tiên phong trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi khát vọng vươn cao, hội nhập và thịnh vượng trở thành mục tiêu xuyên suốt. Xuyên suốt hành trình ấy, vai trò tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, văn hóa không chỉ được khẳng định mà còn trở nên cấp thiết với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn. Báo chí không chỉ đơn thuần là công cụ phản ánh hiện thực, mà phải thực sự là lực lượng xung kích, đi trước một bước, chủ động định hướng, dẫn dắt, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn về 5 vấn đề

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn về 5 vấn đề

(PNTĐ) - Sáng 19/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn 5 vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, bao gồm các giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI, cơ chế chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế...