Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội:

Hướng tới cán bộ “không thể tham nhũng” và “không muốn tham nhũng“

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vừa có cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và huyện Đông Anh để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Hướng tới cán bộ “không thể tham nhũng” và “không muốn tham nhũng“ - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội tiếp xúc cử tri Ảnh TTXVN

Cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở quận Ba Đình và kết nối trực tuyến đến 55 điểm cầu trên địa bàn TP Hà Nội.
Sau khi nghe thông báo kết quả kỳ họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, chủ động tích cực phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời cử tri đưa ra một số kiến nghị. 
Cử tri lên án mạnh mẽ những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, với sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Các cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có các giải pháp cụ thể điều hành nền kinh tế, nhanh chóng khắc phục các hạn chế yếu kém, kiềm chế lạm phát; bình ổn giá xăng dầu, giá vàng trong nước, phát triển kinh tế, xã hội, giữ được ổn định cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân lao động trực tiếp và về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng với đó mong muốn Trung ương có các giải pháp hữu hiệu để Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh không bị vô hiệu hóa. Đồng thời, cử tri kiến nghị cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, phương tiện, điều kiện làm việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy hết sức mạnh của từng thành viên Ban Chỉ đạo và sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban Chỉ đạo tại địa phương đủ mạnh, có thực quyền, trở thành “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. 
Với tư cách là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến sâu sắc, đề cập nhiều vấn đề, ngắn gọn, thiết thực, xác đáng, thể hiện trách nhiệm của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà cử tri nêu ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư cho biết, cuối tháng này, Trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Hội nghị sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới, làm cơ sở để tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống cấp tỉnh, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài”, hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi cán bộ “không thể tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”…
Sáng 27/6, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng đã tiếp xúc cử tri huyện Đông Anh và hai quận Hoàn Kiếm, Long Biên báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. 
Cử tri huyện Đông Anh bày tỏ lo lắng về tình hình sức khỏe nhân dân sau Covid-19 cùng các vấn đề về việc làm, phục hồi kinh tế, quan tâm những dịch bệnh mới để chủ động phát hiện và điều trị... Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; điều chỉnh Nghị quyết 1210 và 1211 của Quốc hội về phân loại đô thị cho phù hợp với thực tiễn. Đối với các dự án nhà ở thương mại ngoài ngân sách hiện nay có quy định bố trí 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên cử tri kiến nghị cần sửa đổi để bố trí các khu nhà ở xã hội tập trung, tránh phân tán.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, báo cáo trả lời cử tri.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.