Khí chất người lính thời chiến vẫn tỏa sáng trong thời bình

Chia sẻ

Nghệ nhân Ưu tú, thương binh hạng 4 Quách Văn Trường (sinh năm 1942, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương mang khí chất của người lính bộ đội cụ Hồ ra sức lập nghiệp, phát triển kinh tế, giữ gìn nghề truyền thống.

Chúng tôi đến thăm gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường vào những ngày cuối tháng 4, khi chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022). Người lính năm nào hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, cống hiến cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc giờ đây đã 80 tuổi.

Năm 1967, ông Trường đầu quân cho Sư đoàn 312, Trung đoàn 141. Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, ông Trường tham gia chiến đấu tại chiến trường Huế. Lần đó, địch tận dụng lợi thế có vũ khí hiện đại, hoả lực mạnh nên đã tổ chức bao vây ở nhiều đô thị, khiến quân và dân ta tổn thất khá nặng nề.

Ông Quách Văn Trường và vợ chụp hình bên “kho tàng” bằng khen, kỷ niệm chương củagia đìnhÔng Quách Văn Trường và vợ chụp hình bên “kho tàng” bằng khen, kỷ niệm chương của gia đình

Đêm 22/2/1968, quân ta được lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng. Trận địa đánh ở Huế không thành công khiến đơn vị của ông bị địch tấn công, phải rút quân từ Huế ngược dần ra Bắc. Có thời điểm, 4 ngày 4 đêm, bộ đội không ăn gì, mỗi khi bom ném xuống, các chiến sỹ phải liên tục đào hầm để trú ẩn. Lần chiến đấu đó, ông Trường bị trúng đạn.

“Khi đang chiến đấu để giữ chân địch, một quả lựu đạn đã rơi ngay trước mặt tôi khiến đất đá, cát sỏi bắn thẳng vào hai mắt. Lúc đó, tôi không còn thấy gì, tai chỉ nghe tiếng máy bay địch đang gầm rú trên đầu, tiếng súng đạn nổ tứ phía xé tan bầu trời. Tôi được đồng đội đưa về hầm trú ẩn. May mắn, sau 1 thời gian điều trị, mắt trái của tôi vẫn giữ được, còn mắt phải bị mờ. Tôi tiếp tục cùng đồng đội đi vào miền Nam chiến đấu” – ông Trường nhớ lại.

Thời gian tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam, ông Trường bị thương 4 lần với hơn chục mảnh đạn găm vào người, hiện nay trong cơ thể ông vẫn còn 6 mảnh đạn. Năm 1971, các vết thương liên tục tái phát, khiến sức khoẻ ông yếu đi.

Ông được hưởng chế độ an dưỡng, về quê phục viên và xếp vào danh sách thương binh hạng 4, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, được nhận Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy hiệu Giải phóng quân. Năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, cùng với toàn quân toàn dân khắp mọi miền Tổ quốc hân hoan, phấn khởi, ông Trường nghẹn ngào, xúc động: “Trước đây, chúng tôi đoàn kết, quyết tâm cố gắng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giành độc lập cho đất nước. Cuối cùng, các đồng đội của tôi đã thay tôi thực hiện được điều đó…”.

Xuất ngũ về quê hương, ông Trường nối nghiệp gia đình phát triển nghề đậu bạc. Nghề này đòi hỏi nghệ nhân phải có đôi mắt tinh và sự khéo léo từ đôi bàn tay. Chỉ còn một bên mắt nhìn thấy rõ, ông Trường phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác mới tiếp tục khôi phục và phát triển nghề truyền thống, trở thành Nghệ nhân Ưu tú, khiến nhiều người khâm phục.

Những năm 1986, nghề kim hoàn phát triển lại, nhiều sản phẩm mẫu mã du nhập vào Việt Nam, nhưng chưa có nhiều đặc sắc và nổi bật như sản phẩm sản xuất tại làng nghề Định Công.

Nghĩ đây là cơ hội “có một không hai” để khơi dậy nghề truyền thống đang đứng trước bờ vực bị lãng quên, ông Trường bắt đầu khảo sát thị trường, lên ý tưởng để sản xuất ra các sản phẩm kim hoàn độc đáo, tinh xảo, đồng thời hợp tác với một số đơn vị để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm đậu bạc của gia đình ông với những nét đẹp nổi trội đã nhanh chóng được nhiều người biết đến. Dần dần, ông tiếp tục dạy nghề cho thế hệ trẻ ở địa phương.

Thấy bố tâm huyết giữ nghề, anh Quách Phan Tuấn Anh, sinh năm 1981, con trai út của ông tuy tốt nghiệp 2 bằng đại học danh tiếng nhưng vẫn quyết tâm nối gót bố học nghề đậu bạc.

Tay nghề của anh Tuấn Anh ngày một tiến bộ và điêu luyện hơn. Năm 2007, anh trở thành đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Năm 2010, trong Cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bố con ông Trường được trao chứng nhận “Sản phẩm thủ công tinh xảo”, trong đó, Nghệ nhân Quách Văn Trường với tác phẩm “Rồng bạc”, còn nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh có tác phẩm “Trâu vàng”.

Ở địa phương, gia đình ông cũng 5 năm liên tục (2016 – 2021) được UBND phường Định Công trao tặng danh hiệu Gia đình văn hóa. Ba người con của ông đều đã xây dựng gia đình, có công việc ổn định, cuộc sống hoà thuận, mẫu mực, nuôi dạy các con hiếu thảo, các cháu ngoan ngoãn, kính trọng ông bà, cha mẹ, chịu khó lao động, học tập tốt.

Gia đình ông thường xuyên mở các lớp dạy nghề đậu bạc miễn phí cho các học viên, phối hợp với Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai tổ chức dạy nghề cho các học viên, thường xuyên duy trì mối quan hệ hài hoà với bà con khu phố, được mọi người quý mến, nể trọng. Năm 2021, gia đình ông được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu gia đình văn hoá cấp Thành phố… Nghệ nhân Quách Văn Trường được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015; Nghệ nhân Đậu bạc năm 2004.

Bài và ảnh: HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.