“Khoảng trống” pháp luật khiến bạo hành trẻ em trong gia đình gia tăng

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, các vụ bạo hành trẻ em xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đến viện trong tình trạng tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng. Một trong những nguyên nhân là pháp luật thiếu hoàn thiện, thiếu quy định chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Chiều nay (14/6), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo chuẩn bị dự án Luật công phu nghiêm túc, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - tỉnh Bắc Kạn đóng góp trực tiếp vào vấn đề phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình. 

“Khoảng trống” pháp luật khiến bạo hành trẻ em trong gia đình gia tăng  - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - tỉnh Bắc Kạn (ảnh: Q.H)

Theo đại biểu, thời gian qua, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em thì hầu hết do người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với số liệu thống kê của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%. 

Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha/mẹ. Đáng lên án, nhiều vụ bạo hành có sự dung túng, tiếp tay của người ruột thịt của các em. Nhiều em chịu những nỗi đau chằng chịt trên cơ thể và trong tâm hồn. Thương tâm hơn, nhiều em vì bạo hành mà vĩnh viễn mất đi cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhận định, đặc điểm của bạo lực gia đình (BLGĐ) là xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình nên khó phát hiện. Nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng. Thời gian qua, các vụ bạo hành trẻ em xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đến viện trong tình trạng tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

Dẫn lại 2 vụ bạo hành trẻ em gần đây gây rúng động dư luận là vụ bạo hành bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh và bé gái 3 tuổi ở Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là pháp luật thiếu hoàn thiện, chưa phù hợp, nhất là còn thiếu quy định chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. 

Phòng chống bạo hành trẻ em trong gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em. Do đó, cần tính toán mức độ điều chỉnh phù hợp để thêm công cụ bảo vệ hiệu quả, tránh sự mâu thuẫn giữa 2 Luật.

“Tại điều 21 dự thảo Luật quy định, biện pháp hòa giải không chỉ được áp dụng với các tranh chấp các mâu thuẫn trong gia đình như Luật hiện hành mà còn áp dụng với các vụ việc BLGĐ. Trong nhiều trường hợp việc bổ sung như dự thảo Luật là cần thiết nhưng với trường hợp bạo hành trẻ em thì vấn đề này tôi chưa đồng ý vì trẻ em là đối tượng đặc biệt cần sửa bảo vệ đặc biệt. Tôi đề nghị sửa đổi quy định theo hướng, đối với trường hợp bạo hành trẻ em đến mức xử lý hình sự, xử lý hành chính thì cần áp dụng biện pháp tương xứng; trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, xử lý hành chính thì cần áp dụng biện pháp góp ý, phê bình quy định tại điều 23 dự thảo Luật để kịp thời ngăn ngừa bạo lực trẻ em tiếp diễn, không nên hòa giải” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến. 

Theo dự thảo Luật, trong trường hợp bạo lực với trẻ em thì biện pháp cấm tiếp xúc được áp dụng theo Luật Trẻ em. Tuy nhiên qua rà soát Luật Trẻ em không có biện pháp cấm tiếp xúc mà chỉ có biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình. Điều kiện áp dụng quy định này là chỉ với trường hợp trẻ em bị bạo hành bởi chính cha mẹ và người chăm sóc trẻ; trong đó người chăm sóc trẻ thuộc 3 trường hợp: Người giám hộ, người được giao chăm sóc thay thế và người có trách nhiệm cùng cha mẹ chăm sóc trẻ. Như vậy, đối chiếu với các trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian qua do các đối tượng là chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ gây ra thì vừa không thuộc trường hợp cấm tiếp xúc của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa không được áp dụng biện pháp tạm thời cách ly của Luật Trẻ em.

“Tôi cho rằng, đây là khoảng trống pháp luật cần rà soát, bổ sung trong Luật này để kịp thời bảo vệ trẻ em” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết.  

Để việc vào cuộc không bao giờ là muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm, đầy đủ các biện pháp bảo vệ trẻ em khả thi và được quy định ở mức độ cao hơn và sớm hơn, đại biểu kiến nghị rà soát khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em; bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với biện pháp cấm tiếp xúc đề nghị áp dụng cả với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ em khỏi gia đình.  

“Khoảng trống” pháp luật khiến bạo hành trẻ em trong gia đình gia tăng  - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - tỉnh Tiền Giang  (ảnh: Q.H)

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, trong phần phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - tỉnh Tiền Giang cho biết, khoản 2, điều 4 của dự thảo Luật quy định hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về BLGĐ. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con, của người yêu, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định người sống với nhau như vợ chồng tại khoản 2, điều 4 cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với thực tế hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đại biểu cho rằng khoản 2, điều 4 cần phải điều chỉnh lại là hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều này còn được áp dụng đối với những người chung sống với nhau khi họ xác định có sự liên kết, gắn bó và trách nhiệm với nhau.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để có thể bảo vệ, hỗ trợ trẻ em một cách đặc thù, không chỉ đưa ra những quy định chung chung.

Tin cùng chuyên mục

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

(PNTĐ) - Cây mít từ lâu đã gắn bó với hình ảnh ảnh miền quê Bắc Bộ “nhà ngói cây mít”, rất thân thuộc với mỗi người dân ở làng quê. Trái mít dai, mít na… là những giống mít bản địa cho quả chất lượng ngon, năng suất cao, đang được thành phố Hà Nội đưa vào diện bảo tồn, phát triển nguồn gen quý và tiến tới phát triển sản phẩm từ trồng đến tiêu thụ trên thị trường.
Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.