Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước
(PNTĐ) - Là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn và những câu chuyện lịch sử giá trị nhất về Hai Bà Trưng, đền Hát Môn ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ với 3 điển tích: Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa; sau khi chiến thắng, Hai Bà về đây khao quân; cuối cùng, Hai Bà về gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn tiết hạnh.
Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đền Hát Môn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt.
Hai Bà Trưng - khí chất anh hùng
Tương truyền, năm 40 sau Công nguyên, đất nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đông Hán. Khi đó Tô Định làm Thái thú quận Giao Chỉ, đã thi hành những chính sách hà khắc và thực hiện đồng hóa dân tộc Việt. Bà Trưng Trắc cùng chồng Thi Sách đã lên kế hoạch chống lại quân Đông Hán. Nhưng biết được điều này, Tô Định đã cho thuộc hạ ám hại Thi Sách, khiến bà Trưng Trắc càng thêm căm phẫn.
Trưng Trắc và Trưng Nhị là 2 chị em, sinh ra ở vùng địa linh Phong Châu lại vốn dòng dõi Lạc Hồng, vì thế Hai Bà không chấp nhận nhìn cảnh dân tình lầm than. Ngày mồng 4 tháng 9 năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa tại cửa sông Hát, quyết đánh đuổi quân Đông Hán, giành lại nền độc lập cho dân tộc.
Hai Bà Trưng đã truyền hịch đi khắp nơi, chiêu mộ anh tài, kêu gọi các anh hùng hào kiệt tướng sỹ tài giỏi giúp khởi nghĩa. Qua một thời gian ngắn, Hai Bà đã hội tụ được hàng ngàn anh hùng hào kiệt đem quân về tụ nghĩa. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng sau đó giành thắng lợi, thu phục 65 thành trì, non sông thu về một mối, nhân dân được hưởng thái bình, Hai Bà xưng vương và đóng đô ở Mê Linh.
Theo sử sách, Hát Môn là ngôi đền gắn với 3 điển tích của Hai Bà Trưng. Thứ nhất, Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa; thứ hai, sau khi chiến thắng, Hai Bà về đây khao quân. Cuối cùng, nơi đây Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn tiết hạnh của người con gái. Vì thế, đền Hát Môn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn và những câu chuyện lịch sử giá trị nhất về khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước
Tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng, nhân dân huyện Phúc Thọ từ xưa đến nay tổ chức 3 lễ hội lớn trong năm, vào ngày 6/3 âm lịch (ngày giỗ Hai Bà), ngày 4/9 âm lịch (Hai Bà tế cờ khởi nghĩa) và ngày 24 tháng Chạp (lễ mộc dục) tại đền Hát Môn.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Từ ngày 4 đến 6/10, Kỷ niệm 1985 năm ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Lễ kỷ niệm gắn với công bố điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Trong đó, tổ chức nghi lễ tế Tam sinh và rước kiệu của Khối liên hiệp các di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội.
Cùng với phần lễ, còn có nhiều hoạt động phần hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để nhân dân hòa chung với không khí vui tươi trong dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phần hội có các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng của các tổ chức chính trị- xã hội, cơ quan đơn vị, câu lạc bộ hát trống quân xã Hát Môn. Đặc biệt vào ngày 6/10 (mồng 4 tháng 9 âm lịch), hoạt động chính diễn ra với điểm nhấn là Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa và công bố điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.
Dịp này có nhiều hoạt động như liên hoan hát dân ca và nhạc cổ truyền; hoạt động thể thao như kéo co, đẩy gậy, biểu diễn võ thuật và các trò chơi dân gian; rước kiệu của các xã, thị trấn và của Liên hiệp Các di tích Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của huyện Phúc Thọ...
Cùng với việc tỏ lòng biết ơn Hai Bà Trưng, Lễ Kỷ niệm ngày Hai Bà hội quân tế cờ khởi nghĩa còn là dịp để huyện Phúc Thọ phát huy giá trị di sản văn hóa, quảng bá nét đẹp truyền thống, từng bước xây dựng điểm đến kết nối du lịch, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội huyện Phúc Thọ nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung.
Với giá trị văn hóa, lịch sử to lớn và kiến trúc độc đáo, đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1964, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2013. Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Lễ hội truyền thống của địa phương được bảo tồn, duy trì tổ chức nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4613/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ).
Quyết định nêu rõ: Công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ do UBND xã Hát Môn quản lý. UBND xã Hát Môn có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố Hà Nội; UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Hát Môn có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn theo đúng quy định pháp luật và thành phố, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả.