Kỳ vọng thay đổi từ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), chính thức được trình Quốc hội. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, đây sẽ là tiền đề để Thủ đô tháo những "điểm nghẽn", tăng tốc, phát triển.

Việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết, một mặt nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặt khác tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Một trong những chính sách mới quan trọng trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đang được nhiều người dân quan tâm. Vậy, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô như thế nào?

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, thành viên Tổ Biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Sau 12 năm thực hiện Quy hoạch, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông).

Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 519/QĐ-TTg) đặt mục tiêu thành phố Hà Nội phải ưu tiên phát triển vận tải đường sắt đô thị đến 2030 chiếm 25%-30% và sau 2030 là từ 35%-40% ở khu vực đô thị trung tâm. Yêu cầu này đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có giải pháp đột phá, đặc thù để thực hiện được các mục tiêu quy hoạch nêu trên.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 (căn cứ theo Quyết định số 519/QĐ-TTg) thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13.31 tỷ USD).

Để có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư cho các tuyến đường sắt còn lại, một giải pháp chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Dự án TOD). Dự án TOD là một giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường.

Cũng theo ông Nguyễn Công Anh, điểm đặc biệt là Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ lựa chọn quy định Dự án TOD áp dụng cho đường sắt đô thị mà không áp dụng sang các loại hình giao thông khác như đường bộ là phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như tính phức tạp của một dự án đường sắt đô thị đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Đối với đường bộ, mô hình phát triển TOD đã và đang được áp dụng từ nhiều năm nay trong công tác quy hoạch mà không cần phải áp dụng cơ chế Dự án TOD.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, phải có quy định đặc thù về công tác quy hoạch.

Ông phân tích, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Sau 12 năm thực hiện, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông). Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-3-2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 519/QĐ-TTg) đặt mục tiêu thành phố Hà Nội phải ưu tiên phát triển vận tải đường sắt đô thị đến 2030 chiếm 25%-30% và sau 2030 là từ 35%-40% ở khu vực đô thị trung tâm. Từ yêu cầu này, một giải pháp chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Dự án TOD).

Kỳ vọng thay đổi từ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - ảnh 1
Hành khách đợi lên tàu Cát Linh

Ông Lê Trung Hiếu cho hay, đưa nội dung TOD và Luật Thủ đô là rất cần thiết, đặc biệt dành cho đường sắt đô thị. Đây được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn.

Cùng góp ý vào dự án Luật, TS Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty Luật Vietthink nhấn mạnh, quy hoạch là linh hồn của một đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị đó văn minh, hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển, tạo tiền đề thu hút nguồn lực phát triển. Nếu quy hoạch không tốt sẽ khó tạo ra giá trị thặng dư, kìm hãm sự phát triển trong tương lai.

Theo TS Lê Đình Vinh, chúng ta đã làm hai tuyến đường sắt đô thị nhưng không gắn chặt với quy hoạch, chỉnh trang, tái thiết đô thị mà chỉ mới giải quyết nhu cầu trước mắt là vấn đề đi lại nên chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, trong việc phát triển TOD tới đây, cần lưu ý tới quy hoạch.

Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như: Phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần; quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực để triển khai đồng bộ các dự án thành phần; lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này...

"Nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tôi hy vọng giải pháp pháp lý này cùng với các giải pháp khác về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội sẽ giúp cho Hà Nội có thể đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội”, TS Lê Đình Vinh nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thấu hiểu người tiêu dùng: Khi người Việt hiểu người Việt

Thấu hiểu người tiêu dùng: Khi người Việt hiểu người Việt

(PNTĐ) - Công nghệ và sự tiện lợi ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đón đầu xu hướng này, cam kết đổi mới sáng tạo và làm những điều khác biệt được thể hiện xuyên suốt trong từng sản phẩm, dịch vụ của Masan và các đơn vị thành viên trên hành trình phụng sự người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác

Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác

(PNTĐ) - Sáng 28/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.