Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 17/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chương trình Tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. Trước đó, ngày 13/5/2024, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Nội dung mới và khó

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo cho biết, đã có nhiều Luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua.

Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, một dự án Luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo cho biết, Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. 

Ngành Giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật.

Sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, tháng 7/2023, tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Ngày 22/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 3525/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

"Trong năm 2023, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo"- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

5 chính sách và 6 điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thành viên thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo cho biết: 5 chính sách đã được được thiết kế trong Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Chính sách 1. Định danh nhà giáo; Chính sách 2. Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Chính sách 3. Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Chính sách 4. Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Chính sách 5. Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo - ảnh 2

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thành viên thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo trình bày các điểm chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo. 

Đặc biệt có 6 điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo, đó là

Thứ nhất, định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo làm cơ sở đề xuất chính sách.

Luật Nhà giáo định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác. Cùng với định danh nhà giáo, Luật Nhà giáo mô tả cụ thể hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, quy định chuẩn nhà giáo để sử dụng thống nhất, gắn với từng chức danh nhà giáo.

Như vậy, lần đầu tiên, việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Điều này vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo và tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Thứ 2, bảo vệ nhà giáo trong hoạt động công việc, an sinh.

Dự thảo Luật quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến nhà giáo cùng với các quy định về xử lý vi phạm với các hành vi bị nghiêm cấm. Việc này vừa tạo hành lang pháp lý đầy đủ để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, vừa tăng cường các phương diện pháp lý cần thiết để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

 Thứ 3, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới.

Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo - ảnh 3
Các nhà báo tham gia thảo luận tại tọa đàm. 

Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Thứ 4, quy định thống nhất về tuyển dụng.

Đối với việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, căn cứ vào các đặc trưng lao động khác biệt so với các viên chức khác, Luật Nhà giáo dự kiến quy định đầy đủ và thống nhất về tuyển dụng nhà giáo, trong đó đổi mới quy định về phương thức, nội dung tuyển dụng phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để đảm bảo tuyển dụng được người giỏi vào ngành; quy định về việc sử dụng, quản lý nhà giáo đảm bảo phủ hết các nhóm đối tượng nhà giáo trong công lập và ngoài công lập và tạo điều kiện cho nhà giáo các cơ hội phát triển nghề nghiệp (thay đổi đơn vị công tác, thay đổi vị trí việc làm, ra nước ngoài học tập, trao đổi chuyên môn…).

Với các định hướng đổi mới về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo như trong dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay, nhà giáo sẽ được mở rộng hơn cơ hội tiếp cận và phát triển nghề nghiệp, thông qua đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ 5, xếp lương nhà giáo cao nhất; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Luật Nhà giáo quy định về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh và bảo vệ nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục.

Đối với chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Quy định nêu trên cùng với một số chế tài khác (các hành vi bị nghiêm cấm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan về nhà giáo, quy định về xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về nhà giáo…) nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập.

Thứ 6, tháo gỡ bất cấp thừa/thiếu giáo viên

Việc đổi mới cơ chế quản lý nhà giáo được xác định là một nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo vì nhà giáo đóng vai trò là một thành tố quan trọng của giáo dục.

Do đó, Luật Nhà giáo dự kiến điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống, đồng thời tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý nhà nước của ngành Giáo dục (đặc biệt là đối với các cấp học mầm non, phổ thông) nhằm tháo gỡ các bất cập trong thừa/thiếu cục bộ đội ngũ nhà giáo, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc. Đồng thời, quy định cụ thể về việc quản lý nhà giáo tại các cơ sở giáo dục và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Với định hướng đổi mới công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đồng thời nâng cao vị thế của ngành Giáo dục và của nhà giáo.

Tại cuộc tạo đàm, các ý kiến đến từ các cơ quan báo chí tập trung thảo luận các vấn đề về lương nhà giáo, quy định về chứng chỉ hành nghề đối với các nhà giáo; vấn đề quản lý nhà giáo trong các lĩnh vực như thế nào... cần được quy định trong dự luật chặt chẽ, có thể khả thi khi đưa vào thực hiện, tránh tình trạng luật ban ra nhưng khi đi vào cuộc sống lại không sát. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các ý kiến góp ý hôm nay, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để nghiên cứu đưa vào dự thảo. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện luật để trình Quốc hội.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.