Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô sửa đổi, xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô”.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội, song cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Sau quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có chất lượng, đến nay, Hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi đã được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của 19 Bộ ngành, 10 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô - ảnh 1
Các khách mời tham gia tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời cũng phân tích kỹ sự cần thiết của việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy, biên chế và một số lĩnh vực ưu tiên để tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố. Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để Hà Nội phát triển.

Đồng thời, các đại biểu cho rằng, Hà Nội có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành phố khác không có. Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn (là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới). Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai, đặt cơ chế, nền móng bước đầu ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, phát triển.

Theo các chuyên gia, khi xây dựng một Luật mới hay sửa đổi một bộ Luật điều quan trọng là phải giải quyết được các nhu cầu thực tiễn. Mặc dù Luật Thủ đô 2012 có tạo các điều kiện phát triển nhất định nhưng đối mặt với sự phát triển chóng mặt của một siêu đô thị thì cần những cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá để phát triển Hà Nội trong tương lai...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, không ít quốc gia trên thế giới đã xây dựng những thể chế đặc thù, vượt trội cho chính quyền thủ đô mà Hà Nội có thể học hỏi. Đơn cử, từ năm 1991, Hàn Quốc đã ban hành Luật về những thẩm quyền đặc biệt của chính quyền thủ đô Seoul. Theo quy định của luật này, người đứng đầu chính quyền Thủ đô Seoul được thực hiện một số thẩm quyền vốn được trao cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, liên quan tới bổ nhiệm nhân sự theo quy định của Luật Công chức.

Luật cũng có các quy định đặc thù liên quan tới việc phát hành trái phiếu của chính quyền Thủ đô Seoul; trao cho người đứng đầu chính quyền Thủ đô Seoul những thẩm quyền riêng trong việc trao danh hiệu khen thưởng...

Thời gian tới, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm chuyên sâu phân tích, làm sâu sắc hơn sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô; Tạo cơ chế hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố, tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực với những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội về mặt thể chế để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.