Mô hình tập hợp thu hút hội viên là nữ lao động nhập cư

Chia sẻ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, khâu đột phá của Trung ương Hội LHPN Việt Nam “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XV.

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN các quận, huyện và cơ sở tập trung các giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội theo nhóm đối tượng, lứa tuổi, sở thích, ngành nghề như: Mô hình phụ nữ cao tuổi, phụ nữ trẻ, phụ nữ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, phụ nữ nhập cư, phụ nữ khuyết tật…

Ra mắt mô hình Chi hội nữ lao động nhập cư phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.Ra mắt mô hình Chi hội nữ lao động nhập cư phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hàng năm, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và cơ sở tiến hành rà soát tình hình phụ nữ từ 18 tuổi ở địa phương; khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ; đánh giá hoạt động của các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ trên địa bàn; xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ tại các cơ sở và chi, tổ phụ nữ theo lứa tuổi, ngành nghề, sở thích, chuyên đề; đa dạng hóa các mô hình hoạt động, nhằm tập hợp, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Với đặc thù Hà Nội là đô thị đặc biệt, địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, thành phần phụ nữ đa dạng, số lao động nữ nhập cư lớn, cùng với việc thành lập các mô hình tập hợp phụ nữ như: Phụ nữ cao tuổi, Phụ nữ trẻ, Phụ nữ khuyết tật, Nữ đảng viên trẻ, Phụ nữ trong các khu chung cư cao tầng… các cấp Hội Phụ nữ đã chú trọng quan tâm tới nhóm phụ nữ là lao động di cư trong các khu nhà trọ, đi làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ, các phố lớn trong nội thành, làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực ngoại thành Hà Nội. Hội Phụ nữ cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ; chủ động đưa một số hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức đến với người lao động; thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm lao động di cư tại địa phương, đơn vị.

Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã thành lập và duy trì hoạt động 13 chi, tổ, CLB phụ nữ di cư với hơn 600 thành viên tại quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, Đông Anh; 20 nhóm nòng cốt, 15 điểm cung cấp thông tin quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Ba Đình; 15 CLB giúp việc gia đình với gần 500 thành viên tại 3 quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

Một buổi tuyên truyền pháp luật tại Hội LHPN phường Phúc Tân.Một buổi tuyên truyền pháp luật tại Hội LHPN phường Phúc Tân.

Hàng năm, các tổ, nhóm phụ nữ lao động di cư do Hội Phụ nữ thành lập đã duy trì sinh hoạt hàng quý/lần; thường xuyên được tổ chức Hội quan tâm tập huấn kiến thức về giới, an sinh xã hội, kiến thức về pháp luật phòng chống xâm hại, phòng chống bạo lực, lao động việc làm, hỗ trợ vay vốn làm ăn; được giao lưu chia sẻ với các chi, tổ phụ nữ đặc thù khác trên địa bàn. Đồng thời, Hội cũng đã tuyên truyền, vận động chị em thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nâng cao ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị sạch, đẹp; kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ; hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn, bị ảnh hưởng do tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Ngoài ra, hội viên phụ nữ lao động di cư còn được tham dự các hội nghị, hội thảo, trao đổi, đối thoại với đại diện Lãnh đạo chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế… của người lao động.

Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội, phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Thành phố Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội để phát triển, song cũng không ít khó khăn, thách thức, số lượng lao động di cư về Hà Nội ngày một tăng, đa dạng về thành phần, lứa tuổi, trình độ. Do đó, các cấp Hội LHPN Hà Nội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, quan tâm rà soát nắm chắc tình hình phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; đa dạng các hình thức tập hợp phụ nữ; tổ chức hoạt động, sinh hoạt Hội linh hoạt, phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ và xu thế chuyển đổi số hiện nay; quan tâm đối tượng nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ ở các khu chung cư cao tầng, phụ nữ tiểu thương, phụ nữ khu vực kinh tế phi chính thức, đặc biệt phụ nữ lao động di cư, phụ nữ tôn giáo, dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương.

BAN TỔ CHỨC-KIỂM TRA - HỘI LHPN HÀ NỘI

Tin cùng chuyên mục