Mục tiêu cuối cùng là người dân phải được thụ hưởng thành quả

Chia sẻ

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tại hội nghị học tập, quán triệt 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII ngày 22/4: “Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội là vì sự phát triển của Thủ đô, của đất nước và nhân dân phải là người được thụ hưởng thành quả".

Tại hội nghị học tập, quán triệt 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/4/2021, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội là vì sự phát triển của Thủ đô nói riêng, của đất nước nói chung và nhân dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển”.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị.Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, 10 chương trình công tác đã bao phủ tất cả các lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Các chương trình được kết cấu với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng, nhưng lại có mối quan hệ biện chứng và logic với nhau, kết quả của chương trình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chương trình kia và ngược lại. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực các chương trình phải thường xuyên trao đổi, phối hợp, giao ban để cùng đưa ra những quyết sách kịp thời, hiệu quả nhằm triển khai thắng lợi tất cả các chương trình.

Quá trình xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, ngay trong năm 2021, thành phố sẽ tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” đến các cấp ủy trực thuộc và các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố. Từ năm 2021-2024, sẽ tập trung tổ chức thực hiện các đề án, chuyên đề, kế hoạch công tác. Năm 2025, tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng kết kết quả thực hiện chương trình.

Để triển khai thực hiện hiệu quả 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết cần quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy về những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản, yêu cầu nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được đề ra trong các chương trình; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, 10 chương trình công tác của Thành ủy vào thực tiễn cuộc sống.

Mục tiêu được đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là: Quá trình xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao...

Năm 2025, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%

Thông tin về Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Chương trình có 11 chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%; GRDP bình quân/người 8.300-8.500 USD; thành phố phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; kim ngạch xuất khẩu đạt 20,47 tỷ USD; số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35-39 triệu lượt khách.

Thành phố xác định mục tiêu quan trọng là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Trung ương để sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô đáp ứng nhiệm vụ phát triển trong thời kỳ mới. Hà Nội xác định trước mắt tập trung đề xuất Trung ương phê duyệt Quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; sửa đổi bổ sung Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô; sửa đổi Luật Thủ đô…

Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mục tiêu của Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là phát triển văn hóa và con người Hà Nội, trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Qua đó, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô…

Đi kèm với các mục tiêu, Thành ủy Hà Nội đề ra 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể và 3 yêu cầu. Đáng chú ý, các yêu cầu nêu rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Với Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mục tiêu là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực. Để hiện thực hóa, thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế về khoa học, công nghệ…

Điểm mới của Chương trình 08 là phát triển hệ thống an sinh xã hội

Giai đoạn 2016-2020, thành phố chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế. Vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã đưa ra một số giải pháp của Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, phát triển đô thị gắn với CNH-HĐH theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Quá trình đô thị hóa phải được gắn liền với việc xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, kiểm soát dân số, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả…

Với Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là một chương trình mới của nhiệm kỳ này, nhằm mục tiêu tổng quát là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

(PNTĐ) - Chỉ số VN-Index lao dốc trong phiên 15/4 nằm trong dự báo của giới chuyên gia dựa vào một số yếu tố như các quỹ lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư, đáo hạn phái sinh và các biến động tiêu cực đến từ tình hình quốc tế...