80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Nền tảng khơi dậy khát vọng chấn hưng văn hóa ​Việt

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 27/2 tại Hà Nội, Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023) đã được tổ chức. Hội thảo nhằm khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử - Đề cương về văn hóa Việt Nam, nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng và thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Hội thảo được 4 cơ quan là: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với sự có mặt khoảng 250 đại biểu và trực tuyến với đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự hội thảo tại điểm cầu TP Hà Nội.

Nền tảng khơi dậy khát vọng chấn hưng văn hóa ​Việt - ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Ảnh: Như Ý.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Cách đây 80 năm, vào tháng 2-1943 Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam - một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa).

Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Nền tảng khơi dậy khát vọng chấn hưng văn hóa ​Việt - ảnh 2
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Với niềm tin vững chắc từ những thành quả đã đạt được trong quá trình kế thừa, vận dụng các giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương, cùng những hy vọng mới, chúng ta sẽ tiếp tục kiên định trên con đường tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại, tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư chuyên sâu và có trọng điểm cho văn hóa. Vì trên hết, đầu tư cho văn hóa một cách khoa học, hợp lý, chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước. Đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một nền văn hóa mới có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm thế giới.

Hội thảo cùng nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính là: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong đó, các đại biểu và nhà khoa học đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ; sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam; phát huy giá trị của “Đề cương văn hóa Việt Nam” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa - con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Các đại biểu và các nhà khoa học đã tham luận phân tích định hướng “Dân tộc, đại chúng, khoa học và việc phát huy nguồn lực nội sinh của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước; sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam; những giá trị nổi bật của Đề cương văn hóa Việt Nam - cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, định hướng và soi đường cho nền văn hóa Việt Nam phát triển bền vững…

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đồng thời nhấn mạnh: Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), nhằm khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của Đề cương có ý nghĩa lịch sử này; nghiên cứu quá trình vận dụng, phát huy Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử, những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua; tạo sự lan tỏa, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và khát vọng cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân nói chung, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước nói riêng.

Nền tảng khơi dậy khát vọng chấn hưng văn hóa ​Việt - ảnh 3
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội

Hội thảo đã phân tích và chỉ rõ quá trình vận dụng, kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị cốt lõi của Đề cương để hoàn hiện đường lối văn hóa Việt Nam trong suốt 80 năm qua. Trên cơ sở kiên định, nhất quán quan điểm nền tảng của Đề cương qua từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Đảng ta đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển tư duy lý luận, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trong thực tiễn qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, cũng như qua các nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng và các nghị quyết về văn hóa.

Trên cơ sở khẳng định những ý nghĩa to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, hội thảo đã tập trung phân tích yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng và giải pháp tiếp tục nghiên cứu, kế thừa các quan điểm của Đề cương vào thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Hội thảo cũng đã khẳng định và tiếp tục kế thừa, vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương, nhất là 3 nguyên tắc cơ bản, đó là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa để nghiên cứu, tổng kết làm rõ và sâu sắc hơn nội hàm về mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển văn hóa, đảm bảo hành lang pháp lý để khơi dậy tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, và quản lý của Nhà nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.