Ngang nhiên chiếm đoạt tiền, nhưng không giao hàng

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô số 14 ra ngày 6/4/2022 đăng bài: “Nghi án lừa đảo với số tiền chiếm đoạt “khủng”: Nhiều nạn nhân sập bẫy trước chiêu lừa bán “hàng tốt, giá siêu rẻ"?

Sau khi báo đăng, thêm nhiều nạn nhân phản ánh đã "sập bẫy" chiêu lừa này do tin vào những hình ảnh quảng cáo trá hình của các trang bán hàng online “Đồ bếp nhập khẩu EU”, "Hàng Made in Germany"... Sau khi nhận được tiền chuyển khoản đặt cọc, các đối tượng lập tức khóa facebook cùng số tiền đặt cọc không cánh mà bay.

Nhiều trang bán hàng nhưng chung tài khoản nhận tiền

Chị N.T.H.T ở Hoàng Mai, Hà Nội - một nạn nhân cho biết, vào tháng 10/2021, chị lên trang “Hàng Made in Germany” mua hai chiếc chảo với giá 800.000 đồng/chiếc. Trang bán hàng này đưa ra hình ảnh rất bắt mắt cùng lời quảng cáo “Khuyến mãi chỉ 5 ngày sale 65% toàn bộ mặt hàng”, với mức giá bán vô cùng hấp dẫn. Liên hệ đặt hàng, chị T được yêu cầu chuyển khoản tiền trước, rồi nhận hàng sau. Chị T đã đồng ý chuyển khoản đặt cọc 50% giá trị hàng, tương ứng với 800.000 đồng. Nhưng nhiều ngày sau đó, chị chờ mãi vẫn không thấy hàng đâu, chị T liên lạc lại thì trang facebook này đã chặn liên lạc với chị.

Quá bức xúc và cũng để những người tiêu dùng khác không sập bẫy lừa đảo như mình, từ thời điểm đó, chị T đã viết bài cảnh báo trên trang facebook cá nhân. Bài viết sau đó đã nhận được phản hồi tích cực, song, một số người bình luận cho biết họ cũng đã bị trang này lừa tiền.

Tương tự, một trang mạng khác có tên “Na shop” rao bán các mặt hàng gốm sứ, quảng cáo “mua bán thả ga, không lo về giá vì sale tới 70%” cũng bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng rồi không chuyển hàng đi như cam kết.

Trước sự việc hàng loạt nạn nhân đang có dấu hiệu bị trang facebook “Đồ bếp nhập khẩu EU” lừa đảo chiếm đoạt tiền mà báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh, các nạn nhân đã cùng nhau chắp nối lại thông tin, phát hiện các trang “Đồ bếp nhập khẩu EU”, “Na Shop”, “Hàng Made in Germany”… đều có điểm chung là yêu cầu khách hàng chuyển khoản vào một số tài khoản mang tên Le Phuc Hanh tại ngân hàng Vietinbank. Khi khách hàng yêu cầu gửi địa chỉ cửa hàng, các trang này cũng đều cung cấp địa chỉ của siêu thị điện máy Xanh ở 393 Trần Phú, Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Điều đáng nói, đến nay, chỉ trừ trang “Đồ bếp nhập khẩu EU” vẫn hoạt động và đang quảng cáo bán hàng rầm rộ, hai trang bán hàng “chị em” là “Na Shop”, “Hàng Made in Germany”… đều đã bị “xóa sổ”. Rất may là nhiều nạn nhân đã kịp chụp lại giao diện trang 2 trang facebook lừa đảo này cùng những đoạn chát của mình với đối tượng/nhóm đối tượng thì mới có căn cứ chứng minh mình cũng từng là nạn nhân của chiêu lừa “bán hàng xịn, giá siêu rẻ”.

Qua sự việc trên cho thấy, chiêu thức lừa đảo của đối tượng, nhóm đối tượng này rất tinh vi, có hệ thống, bài bản. Cứ sau một thời gian lập một trang facebook để chiếm đoạt tiền của khách hàng, đối tượng/nhóm đối tượng lại nhanh chóng xóa trang và lập ra một trang facebook mới để tiếp tục hành vi lừa đảo.

Trang facebook hàng Made in Germany hiện đã bị xóa sổ, đều dùng chung một số tài khoản với trang Đồ bếp nhập khẩu EU để khách hàng chuyển tiềnTrang facebook hàng Made in Germany hiện đã bị xóa sổ, đều dùng chung một số tài khoản với trang Đồ bếp nhập khẩu EU để khách hàng chuyển tiền

Người tiêu dùng có thể bảo vệ quyền lợi của mình như thế nào?

Theo Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, sự việc mà báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Hình thức lừa đảo qua mua bán trên mạng xã hội đã rất phổ biến, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Trong trường hợp không may bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người tiêu dùng nên viết đơn tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền. Khi nhận được đơn trình báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm xác minh, điều tra các tài liệu liên quan và quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không.

Với vụ việc như trên, thông tin tài khoản gửi tiền sẽ giúp cơ quan điều tra xác minh ai là người gửi, ai là người nhận, nhưng thực tế khi đã thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng thường không dùng thông tin chính xác để lập tài khoản mà sẽ sử dụng thông tin ảo, do đó để xác minh đối tượng là rất khó khăn. Chính vì thế để bảo vệ chính mình, tránh việc “tiền mất tật mang”, “dính bẫy” các đối tượng lừa đảo thì người tiêu dùng cần phải tỉnh táo khi mua hàng online.

Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website uy tín, có đăng ký với cơ quan nhà nước hoặc tại những gian hàng uy tín trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Những website, gian hàng này phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website - tên đơn vị bán hàng, số điện thoại, địa chỉ, mã số thuế, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách đổi trả hàng, hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu lựa chọn mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng càng phải sàng lọc, tìm hiểu kỹ về đơn vị bán hàng, thông tin về người bán, thông tin quảng cáo, các đánh giá của người mua trước, nguồn gốc hàng hóa…

Tuyệt đối không nên mua hàng tại những trang mạng xã hội không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn… Nếu người bán có cung cấp thông tin, người tiêu dùng nên kiểm tra kĩ thông tin đó có dấu hiệu giả mạo hay không… Người tiêu dùng không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Với những món hàng có giá trị cao nên trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng trước khi mua hoặc chỉ mua qua những website có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Hành vi đưa ra những thông tin gian dối nhằm làm cho người mua tin nhầm và chuyển tiền cho đối tượng để mua hàng nhưng sau đó đối tượng không gửi hàng và chiếm đoạt số tiền đó là có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đặc biệt, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên đối tượng có thể đối diện với mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử thì có thể bị xử lý về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên…

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.