Người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.

Cần những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu

Người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cơ bản bày tỏ nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Về chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, có 2 tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo, và tiêu chí số 16 về văn hóa. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mục tiêu văn hóa mới chỉ được quan tâm nhiều đến vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng thiết chế văn hóa hoặc tính chất phong trào như số lượng các làng, khu dân cư văn hóa, chưa có sự chuyển biến rõ rệt về chất.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu, trong khi chúng ta đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở. 

Về CTMTQG giảm nghèo bền vững, đại biểu nhất trí với việc Đoàn giám sát chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế của Chương trình gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành. Tuy nhiên, đánh giá của Đoàn giám sát vẫn trên tinh thần nương nhẹ và có lúc còn chung chung khi chỉ ra trách nhiệm và những hạn chế tương đối giống nhau giữa Chính phủ và các bộ, ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát lại phần đánh giá để chỉnh sửa, bổ sung sao cho đảm bảo cụ thể hóa trách nhiệm và tránh trùng lặp chung chung. 

Về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đại biểu đề nghị cần đặc biệt quan tâm hơn việc hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp cần được chú trọng trước tiên vì hiện nay đang có quá nhiều những điểm nghẽn về chính sách do không phù hợp thực tiễn, không thể triển khai được, thậm chí có những chính sách xung đột với nhau về quy định giữa bộ này với bộ khác mà trong báo cáo đã nêu rất chi tiết.

Theo đại biểu, nếu không tháo gỡ ngay thì sẽ không thể tiến hành tiếp Chương trình và các giải pháp còn lại cũng không thể phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của Chương trình này quá chậm và quá trình triển khai đang có quá nhiều vướng mắc nhưng Ủy ban Dân tộc nhận định sẽ đạt được mục tiêu theo lộ trình. Tuy nhiên đại biểu bày tỏ vẫn lo ngại liệu việc lấy mục tiêu giải ngân là đích đến và hệ lụy sẽ là chạy theo thành tích giải ngân, dẫn tới sai phạm hoặc không hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em chưa đạt chỉ tiêu

Người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo - ảnh 2
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) phát biểu

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chương trình có ý nghĩa quan trọng với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Đại biểu bày tỏ vui mừng trước một số kết quả bước đầu đã đạt được. Cụ thể, tại dự án 5, 7, 8 đã góp phần thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ em tiếp cận được các dịch vụ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn ở dự án 7 là dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có hai chỉ tiêu vẫn chưa đạt được. Theo đó, chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đạt 15,8% trong khi kế hoạch mục tiêu giao phải dưới 15%; trẻ thấp còi là 25%, trong khi kế hoạch giao là dưới 15%...

Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào 01 trong 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Kể từ đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện cũng chưa khả quan; Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng nhận định tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ. Đại biểu cho rằng, "cái no lo chưa tới, làm sao nghĩ đến đa dạng thực phẩm đúng, đủ chất"; vẫn còn nơi có tập quán chăm sóc trẻ lạc hậu;... Mặt khác, cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn bất cập.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến 2023, dự án 7 chỉ giải ngân được 15,44%; trong khi đó, ngân sách địa phương chỉ giải ngân được 10,91%. Như vậy, đồng nghĩa với việc rất nhiều người dân chưa được thụ hưởng chính sách, việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em chưa đảm bảo được đi vào thực chất.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra; đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em.

 
Người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo - ảnh 3
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu

Thoát nghèo phải mang tính bền vững

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bàn về nhận thức của người dân về công tác tuyên truyền đối với 3 CTMTQG. Đánh giá về mục tiêu của các Chương trình thời gian qua, đại biểu cho rằng, có những người dân chưa muốn thoát nghèo.

Mặc dù đánh giá cao 3 CTMTQG trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề cập rõ hơn sau khi tiếp xúc cử tri, Đoàn Quảng Nam đã kiến nghị Đoàn giám sát cần xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, Trung ương chỉ quản lý theo các mục tiêu, các chỉ tiêu, còn cách làm thì cho phép tỉnh được chủ động. Đây mới là tháo gỡ chính.

Tin cùng chuyên mục

Cử tri và Nhân dân Thủ đô tin tưởng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

Cử tri và Nhân dân Thủ đô tin tưởng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

(PNTĐ) - Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP ngày 5/12, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Cử tri và nhân dân Thủ đô bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhiều cán bộ có sai phạm, nhiều vụ việc phức tạp được xử lý, điều tra.
Chọn những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm để kịp thời tháo gỡ

Chọn những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm để kịp thời tháo gỡ

(PNTĐ) - Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị HĐND Thành phố chọn các lĩnh vực được Thành uỷ tập trung chỉ đạo, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình nhằm cùng UBND Thành phố kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.