Người mẹ nhân lên sự sống từ hiến tạng của con

Chia sẻ

Gần 100 ngày sau khi bà Cấn Thị Ngần (SN 1965, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) quyết định hiến đa tạng của con trai cho y học, những người nhận tạng của con trai bà mới tìm đến để cảm ơn.

Trong số đó, bà nhận một người đã nhận trái tim của con trai mình làm con nuôi. Người mẹ nhân ái này đã vinh dự được Hội LHPN Hà Nội tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2017.

Cái ngày định mệnh đó là ngày 27/7, bà Ngần không bao giờ quên được. Buổi sáng hôm ấy, khi bà đang trông trẻ cho một gia đình ở Hà Nội thì nghe tin dữ: Con trai bà là Trịnh Đình Vàng (SN 1986) bị ngã từ sân thượng xuống, hôn mê và vừa nhập viện 103. Bà vội vã bắt xe đến ngay bệnh viện. Nhìn thấy con nằm bất động trên giường, toàn thân nguyên vẹn nhưng phần đầu có vết nứt, trái tim bà như bị bóp nghẹt.

Bà ngã quỵ khi bác sĩ thông báo, con trai bà đã bị chết não, không còn cách nào cứu được. Hai giờ ngồi cạnh con và khóc cạn nước mắt, bà được bác sỹ mời vào phòng để nói chuyện. Vị bác sĩ chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình và nói cho bà biết về việc rất nhiều người đang sống mòn mỏi vì bị suy gan, thận, hỏng giác mạc… cần được ghép tạng để cứu sống. Khi nỗi đau tận cùng, bà hiểu, anh Vàng sẽ vĩnh viễn không thể tỉnh dậy. Trong khi ngoài hành lang bệnh viện, vẫn còn những người mẹ như bà, đang mong mỏi sự hồi sinh kỳ diệu cho con. Nếu bà hiến tạng của con cho y học, thì phần nội tạng của anh Vàng không những cứu sống được nhiều người, mà con trai bà vẫn sẽ sống mãi trong cơ thể họ, không bị mất đi hay tan theo tro bụi. Nén đau thương, bà âm thầm ký vào giấy hiến đa tạng của con trai: 1 quả tim, hai quả thận, đôi giác mạc, lá gan cho bệnh viện mà đứt ruột. Bà chỉ yêu cầu bác sĩ là nếu ai nhận tạng của con, bà xin được biết địa chỉ để có thể nhìn thấy người ấy khỏe mạnh. Như vậy, bà mới được an lòng.

Bà Ngần coi anh Tiến - người nhận tim của con bà như con đẻ của mình.Bà Ngần coi anh Tiến - người nhận tim của con bà coi như con đẻ của mình.

Những ca ghép nội tạng ngay lập tức được Bệnh viện 103 thực hiện thành công. Tuy nhiên, theo Luật Cho, hiến tạng, bác sĩ không được phép cho người nhận tạng biết địa chỉ của người hiến tạng. Sau đó, trong số 6 ca ghép tạng (2 ca giác mạc, 2 ca thận, 1 ca gan, 1 ca ghép tim) thì có 4 ca đến nhà gặp bà, trong đó, bà nhận anh Nguyễn An Tiến (SN 1980, quê Quảng Bình, công tác tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển vùng 2, đóng ở Quảng Trị) - người nhận trái tim của con trai bà - làm con nuôi.

Giữa năm 2015, khi đang lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ, anh Tiến thấy tim đập nhanh, khó thở và ho kéo dài. Về đất liền, anh đi khám ở một bệnh viện tư thì được xác định bị viêm phế quản. Song hơn 1 tháng uống thuốc, anh cũng không khỏi. Đi khám lại, bác sĩ cho biết, trái tim của anh đã bị tổn thương nặng nề, suy tim độ 4, giảm cơ và xốp lên. “Phải thay tim”- bác sĩ ngậm ngùi nói.

Cú sốc ấy khiến cả gia đình anh choáng váng. Gia cảnh khó khăn, mẹ già, vợ trẻ đang mang bầu chưa có việc làm, song, ai cũng nghĩ sẽ dốc hết sức tìm quả tim mới thay thế cho trái tim đang dần suy kiệt của anh. Anh được chuyển đến Bệnh viện 103 để điều trị và chờ đợi quả tim mới. Một ngày tháng 7/2016, các bác sĩ thông báo có người hiến tim. Ngay lập tức, ca phẫu thuật thay tim cho anh được thực hiện trong đêm hôm đó. Anh Tiến được hồi sinh nhờ trái tim mới mà không biết được người hiến cho mình là ai.

Anh bảo, từ ngày nhận được tim, anh đã nghĩ đến việc sẽ đi tìm gia đình người hiến tim cho mình để cảm tạ. Nhưng sức khỏe của anh còn yếu, phải nằm viện theo dõi hàng ngày nên, việc tìm người hiến tạng gặp rất nhiều khó khăn. Vừa lúc đó, báo chí tìm đến anh và nói cho anh biết, “mẹ Ngần” cũng đang mong mỏi tìm thấy người nhận tim của con trai bà. Anh vội xin số điện thoại của “mẹ” để liên lạc. Cuộc gọi đầu tiên đầy xúc động, anh nghẹn ngào: “Mẹ là người thứ hai cho cho con sự sống”. Bà Ngần ngân ngấn lệ, đáp: “Con khỏe mạnh là mừng, đừng suy nghĩ điều gì”.

Ngày nào, “mẹ Ngần” cũng gọi điện cho anh Tiến, nhưng để gặp anh, bà lại phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều: “Người bình thường gặp nhau còn xúc động, huống gì Tiến còn chưa hồi phục, sự xúc động khi gặp có thể ảnh hưởng đến trái tim”. Bà nhận anh Tiến làm con để có thể quan tâm, chăm sóc, để ngày ngày được cảm nhận và lắng nghe nhịp đập trái tim của con. “Tôi có thêm một đứa con nữa”- bà nghẹn ngào.

Từ ngày bà Ngần được gặp anh Tiến, dường như nỗi buồn của bà vơi đi nhiều. Bà bảo, mẹ chỉ mất xác con, còn sự sống của con vẫn còn trên đời. Dường như, sự mất mát và nỗi dày vò vì hiến tạng con bấy lâu nay được vơi phần nào.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Các cơ quan báo chí Thủ đô tích cực tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm tháng 7

Các cơ quan báo chí Thủ đô tích cực tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm tháng 7

(PNTĐ) - Các cơ quan báo chí Thủ đô đã kịp thời thông tin, tuyên truyền sâu sắc các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và thành phố; trọng tâm là tuyên truyền cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là tại 126 đơn vị hành chính cấp xã mới; lan tỏa tinh thần đồng thuận trong xã hội, nêu bật tính chất đột phá, cách mạng và dấu ấn lịch sử của sự kiện này.
Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội và một số ban, bộ, ngành liên quan. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.