Người tiêu dùng đã ưu tiên dùng hàng Việt

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 27/9, Đoàn kiểm tra số 1 Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc triển khai thực hiện CVĐ năm 2023 tại Sở Du lịch Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, những năm vừa qua, Sở đã chủ động tham mưu, phối hợp các cấp, ngành, doanh nghiệp triển khai hiệu quả CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phù hợp tình hình mới trong các hoạt động của ngành. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa CVĐ và thúc đẩy hoạt động du lịch tới các điểm đến ở Hà Nội, ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, quà lưu niệm, đặc sản địa phương Hà Nội trong chuyến đi.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm mới có chất lượng, giá cả cạnh tranh, phục vụ tốt nhất du khách trong và ngoài nước.

Ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp như phát triển điểm đến, xây dựng tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; tổ chức đa dạng hoạt động du lịch hấp dẫn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước… Các hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Đặc biệt gần đây, ngành tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số ngành du lịch, tiêu biểu là triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023. Nhiều điểm đến du lịch xây dựng hệ thống vé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan, như Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò…

Người tiêu dùng đã ưu tiên dùng hàng Việt  - ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' tại Sở Du lịch Hà Nội.

Phát huy những kết quả đã đạt được và để khắc phục một số hạn chế hiện nay, đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện CVĐ, nhất là đổi mới công tác truyền thông, nhân rộng điển hình, chú trọng kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Thành phố và nghiêm khắc xử lý những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực cho thương hiệu hàng hóa, dịch vụ Thủ đô.

Kết luận cuộc kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương ghi nhận ngành du lịch Hà Nội gần đây có những chuyển biến rất tích cực, nhất là sau dịch Covid-19, đặc biệt trong xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức những hoạt động du lịch hấp dẫn, giành nhiều giải thưởng quốc tế… Sở Du lịch Hà Nội là thành viên rất trách nhiệm trong Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố, đã phối kết hợp tốt với các sở, ngành liên quan, đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp.

Chia sẻ với những khó khăn và thống nhất với hệ thống giải pháp đề ra thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, ngành du lịch Hà Nội đang triển khai thực hiện 2 nghị quyết quan trọng của Thành ủy về du lịch và công nghiệp văn hóa, cần bám sát chỉ đạo của Thành phố để phát triển xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Đặc biệt, yêu cầu đặt ra rất cao trong thời gian tới đòi hỏi Sở Du lịch phát huy hiệu quả vai trò chủ trì triển khai những giải pháp mạnh mẽ, trong đó thực hiện CVĐ là một giải pháp trọng tâm, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo.

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đề nghị Sở Du lịch tiếp tục làm tốt công tác tuyền thông để phát triển du lịch Hà Nội tương xứng với tiềm năng của Thủ đô, đưa nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao đến với người dân Thủ đô và các địa phương bạn.

"Cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành đã được nêu ra tại 2 nghị quyết của Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của TP, trong đó xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, có tính chuyên nghiệp cao, đảm bảo phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Chỉ những sản phẩm độc đáo, hoàn chỉnh mới có thể kết nối được chặt chẽ, có chất lượng giữa doanh nghiệp và người dân, quyết định được sự lựa chọn của họ khi sử dụng sản phẩm"- bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam lưu ý Sở Du lịch có giải pháp nâng tầm những sự kiện đã có thương hiệu của du lịch Thủ đô, trong đó chọn những sự kiện gắn với đặc trưng của Hà Nội; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn; nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại đầu tư, cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó cần kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp cao từ các doanh nghiệp và nhà quản lý.

Ngoài ra, thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước, thanh tra kiểm tra, bảo vệ và phát triển những doanh nghiệp chân chính; nâng tầm giá trị bình chọn "Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích", để doanh nghiệp tin tưởng và đăng ký tham gia nhiều hơn, đảm bảo sản phẩm thực sự uy tín và chất lượng.

Tin cùng chuyên mục

Hoài Đức: Năm 2025 phấn đấu đạt chỉ tiêu cân đối thu chi ngân sách

Hoài Đức: Năm 2025 phấn đấu đạt chỉ tiêu cân đối thu chi ngân sách

(PNTĐ) - Năm 2024, huyện Hoài Đức đã tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đạt 100,14% kế hoạch năm, tăng 12,36% so với năm 2023; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2024 thực hiện là hơn 3.037 tỷ đồng, trong đó thu thường xuyên đạt 133,3%.