Nhà lãnh đạo tài năng Lê Đức Thọ với cuộc đàm phán Paris lịch sử

Chia sẻ

Năm tháng trôi qua, nhưng dấu ấn của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris (1968 - 1973) vẫn hết sức đậm nét.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Lê Đức Thọ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Nam bộ, từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng và một trong những dấu ấn sâu đậm là khi ông được giao nhiệm vụ Cố vấn đặc biệt đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt Hiệp định Paris. (Ảnh: TTXVN)Ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt Hiệp định Paris. (Ảnh: TTXVN)

Ông Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định. Tham gia cách mạng từ năm 1926, tới năm 1944, ông là Ủy viên Trung ương Đảng; năm 1945 là thành viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng; năm 1955 là Ủy viên Bộ Chính trị.

Với nhiều năm hoạt động chỉ đạo cách mạng tại miền Nam, tháng 4/1968, khi đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông Lê Đức Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi gấp về Hà Nội, chuẩn bị cử sang Paris đảm đương sứ mệnh “Cố vấn đặc biệt” Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với đại diện Hoa Kỳ, về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Giữ vai trò cố vấn, nhưng trên thực tế, ông Lê Đức Thọ là “linh hồn” của phái đoàn, do cương vị và nhiệm vụ được trực tiếp Bộ Chính trị và Bác Hồ giao phó.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, đây là sự lựa chọn sáng suốt, bởi ông Lê Đức Thọ là một nhà cách mạng kiên định, có bản lĩnh vững vàng và tầm nhìn chiến lược.

"Một trong những công lao rất to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ chính là nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược rất khôn khéo với tư duy “vừa đánh, vừa đàm”, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Năm 1968, đồng chí đã được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” - Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho biết.

Cùng với việc cử ông Lê Đức Thọ làm “cố vấn đặc biệt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ký sắc lệnh phân công ông Xuân Thuỷ làm Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán.

Tại Hội nghị Paris, với tư cách là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua hoạt động trong các cuộc đàm phán công khai và bí mật, trong các buổi họp báo, chỉ đạo ra “Thông cáo báo chí”, ông Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong tất cả các cuộc đàm phán bí mật với Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Kissinger hay trên bàn Hội nghị, ông Lê Đức Thọ đều nêu rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam mong muốn chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khi nhớ về nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, đã khẳng định: trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Paris, ông được ví như vị tướng ngoài biên ải. Ông đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình.

Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Đặng Hoàng Giang cho rằng, trên bàn đàm phán, nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ luôn khiến đối phương nể phục bằng sự mưu lược và tài trí của một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm. 

Theo Thứ trưởng, trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, Việt Nam là một nước nhỏ và hầu như chưa có kinh nghiệm trong mặt trận ngoại giao, so với Mỹ là một nước lớn và sừng sỏ, có tiềm lực không chỉ quân sự và ngoại giao. Kissinger một con “cáo già” trong làng ngoại giao của Mỹ và thế giới. Tuy nhiên trước sự đối đầu với nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ thì Kissinger luôn phải tâm phục, khẩu phục trước những lý lẽ, lập luận đanh thép của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ. 

Trong các cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris, Mỹ luôn tìm cớ trì hoãn việc kí kết bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Khi Ngoại trưởng Kissinger liên tiếp đưa ra những đòi hỏi vô lí và ngầm đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại… Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã khẳng khái đáp lại: "Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu". 

Trên bàn đàm phán, ông Lê Đức Thọ luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược. Đặc biệt các cuộc họp bí mật với Cố vấn Kissinger, ông luôn thể hiện ý chí tiến công, sẵn sàng tranh luận đến cùng, thái độ điềm tĩnh, ứng biến uyển chuyển, nhưng lúc cần rất cứng rắn, đanh thép.

PGS.TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Điều rất quan trọng thể hiện trí tuệ bản lĩnh của ông Lê Đức Thọ là nắm rất chắc kẻ thù. Nói như Kissinger là “đọc được suy nghĩ của đối phương”. Tức là hiểu được ý đồ của đối phương nói cái gì, biết được ý đồ đối phương là cái gì. Cho nên bản lĩnh của Lê Đức Thọ trong ngoại giao là chủ động tấn công kẻ thù, nhưng kết hợp cả những vấn đề có tính nguyên tắc và cả sự mềm dẻo trong trong đấu tranh ngoại giao. Khi kẻ thù “muốn nắn gân chúng ta”, muốn thử chúng ta, đồng chí Lê Đức Thọ hiểu hết, những chỗ đó đồng chí rất bản lĩnh”.

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của các cuộc đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó có sự đóng góp xuất sắc của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ. Quá trình đàm phán Hiệp định Paris là dài nhất trong lịch sử ngoại giao hiện đại, gây tiếng vang lớn trong dư luận và thế giới. Hình ảnh của ông tràn ngập trên các trang báo lớn ở Mỹ, phương Tây. Ngay trong năm 1973, Ủy ban Giải thưởng Nobel quyết định trao “Giải Nobel Hòa bình” cho nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ. Nhưng, với bản lĩnh và sự nhạy cảm của mình, ông đã từ chối nhận giải khi Việt Nam chưa chấm dứt chiến tranh.

Năm tháng trôi qua, nhưng dấu ấn của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris (1968 - 1973) vẫn hết sức đậm nét. Thành quả đó là dấu son chói lọi trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

(Theo VOV.VN)

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.