Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022:

Nhìn thẳng vào những thách thức

Bài và ảnh: Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tuần qua, một trong những nội dung được cử tri quan tâm nhất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Nhìn thẳng vào những thách thức  - ảnh 1
Quốc hội kỳ họp thứ 4, khóa XV trong phiên thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2022, bức tranh kinh tế nước ta có nhiều điểm sáng đáng phấn khởi. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.  

Ghi nhận kết quả đạt được, song tại kỳ họp thứ 4, các ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại và đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. 

Giải ngân đầu tư công chậm do thủ tục hành chính
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH Kiên Giang) việc giải ngân đầu tư công trong năm 2022, báo cáo Chính phủ tiếp tục nêu kết quả đạt thấp. Đây là một chỉ tiêu mà tại nhiều kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo không đạt kế hoạch. Gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch được Quốc hội, Chính phủ tích cực bàn bạc, tính toán để tạo mọi điều kiện phục hồi nền kinh tế, song chủ trương này vẫn loay hoay mãi nên tiến độ triển khai quá chậm chạp. 
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cũng đề cập tới những khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2022 mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2021. Trong đó, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả rất thấp, ước giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến ngày 30/9/2022 đạt khoảng 3,86% kế hoạch. Một nguyên nhân chủ quan được đại biểu chỉ ra là từ khi hình thành dự án cho đến khi giải ngân vốn, tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều giai đoạn, thủ tục. Ví dụ như công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện một dự án thường phải trải qua khoảng 12 bước; đối với dự án nhóm A, nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự thường mất khoảng gần 2 năm, với dự án nhóm B, nhóm C thường mất khoảng 9-10 tháng. 

Quốc hội sẽ chất vấn 4 nhóm vấn đề
Từ ngày 3-5/11, dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra:
Về lĩnh vực xây dựng: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Về lĩnh vực thông tin và truyền thông: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Về lĩnh vực nội vụ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề lĩnh vực thanh tra: Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
 

Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thiếu thuốc, thiếu xăng dầu, thiếu nhà ở cho công nhân

Theo đại biểu Nguyễn Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang), tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế để điều trị bệnh kéo dài từ đầu đại dịch đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải của ngành y tế. Đại biểu đặt câu hỏi, nếu đại dịch quay trở lại hoặc một đại dịch nào đó xuất hiện thì việc bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ ra sao?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng cho rằng, y tế Việt Nam đã và vẫn đang bị chao đảo. Cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu, việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ. 

Cũng đề cập tới một “cái thiếu” nhưng là “thiếu xăng dầu”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) cho rằng, chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng thị trường xăng, dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Dự báo giá cả xăng, dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho UBTV Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) bày tỏ, hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%, vậy mà thời gian qua vẫn để xảy  ra hiện tượng hết xăng. Theo đại biểu Yên, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) lại chỉ ra tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân. Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân. Luật Nhà ở năm 2014 đã xác định người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Song Nghị định số 100/2015/CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/CP ngày 1/4/2021 lại quy định một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống và học tập. 

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, quy định này không hợp lý, vì nhiều công nhân làm việc tại các KCN, nhà máy, xí nghiệp thuộc đối tượng gia đình hộ nghèo, thu nhập thấp, mặc dù đã có nhà ở, đất ở nhưng là nhà ở, đất ở ở quê nên rất cần được xem xét, giải quyết hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. 
Đề xuất các giải pháp để đạt kế hoạch năm 2023

Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) đồng tình với 12 giải pháp của Chính phủ trình trước Quốc hội và cho rằng, cần ưu tiên giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Đại biểu lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt chứ không phải là chính sách tiền tệ thắt chặt, định hướng dòng vốn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh và các dự án đã được triển khai, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý trong ngắn hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi thường xuyên, lễ hội, liên hoan, tổng kết. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức đang đặt ra phía trước. Đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng 8% của năm 2022 và 12 giải pháp của Chính phủ đề ra, đại biểu cũng đề xuất ngay từ bây giờ cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bên bờ vực phá sản. Do vậy, ngay từ bây giờ cần phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 mới mang tính tổng thể, an toàn hơn là những giải pháp có tính đột phá. ĐB trân trọng đề nghị Chính phủ rà soát và xem xét để bổ sung vào mục tiêu tổng quát thêm một mục tiêu là cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội và nhấn mạnh các giải pháp như: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động kỷ luật, kỷ cương lao động...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.