Nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng sau Tết Nguyên đán

NAM LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dự báo về cung cầu lao động trong năm 2023, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng nửa đầu năm 2023 kinh tế sẽ còn những khó khăn nhưng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc. Vì thế thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực. Sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động ở các ngành nghề khác nhau.

Nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng sau Tết Nguyên đán - ảnh 1
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng 
Ảnh: Vũ Quang

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377.700 người, con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua, tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai… Điều này sẽ góp phần tạo nên sự cân bằng về cung cầu lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2023 vẫn là một năm dự báo sẽ nhiều biến động với thị trường lao động.

Những ngành có tiềm năng là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt. Với ngành nghề liên quan vấn đề hội nhập như: Sản xuất chế biến gỗ, da giày, may mặc... dù chịu tác động của khủng hoảng nhưng cũng sẽ sớm tạo sự phục hồi thậm chí bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm 2023. Ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Để các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc.

Tại Hà Nội, hoạt động tuyển dụng của thị trường lao động đầu xuân Quý Mão tiếp tục có sự sôi động. Thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã nhận được nhiều đơn hàng đăng ký tuyển dụng của 268 doanh nghiệp với 3.925 chỉ tiêu. Các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, lao động phổ thông ở những lĩnh vực khác nhau như: Điện, điện tử, vận tải, nhà hàng - khách sạn, lưu trú, vui chơi giải trí, siêu thị, trung tâm thương mại... Do việc tuyển dụng lao động khó khăn nên các doanh nghiệp phải tìm người lao động ở nhiều nguồn khác nhau. Đối với những doanh nghiệp có công nhân khi đi làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão dài ngày chỉ có mong muốn đơn giản là doanh nghiệp có nhiều đơn hàng. 

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Sàn giao dịch việc làm Hà Nội hoạt động trở lại từ 30/1; các phiên giao dịch việc làm chuyên đề sẽ tổ chức thường xuyên vào tháng 2, trong đó sẽ có những phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho thanh niên.

Theo ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện thị trường lao động Hà Nội vẫn duy trì được tính ổn định. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ tiếp tục thu thập thông tin để nắm bắt, đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị khó khăn đến thị trường lao động. Từ đó, sẽ có kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên việc làm online phù hợp với các nhóm đối tượng.

Trước đó, trong năm 2022, đơn vị này đã tổ chức được 262 phiên giao dịch việc làm, qua đó đã có 125.000 lượt người lao động được tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động, đạt 114,2%; đã có hơn 55.000 lượt người lao động được kết nối, phỏng vấn; 19.503 người lao động được tuyển dụng tại phiên. Bên cạnh đó, có 62.911 lượt người lao động được giới thiệu việc làm; 21.388 người lao động được kết nối, tuyển dụng.

Trong năm 2023, Hà Nội đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động trên địa bàn, tăng 2.000 người so với năm 2022 (năm 2022 mục tiêu tạo việc làm cho 160.000 lao động). Ông Vũ Quang Thành cho biết: Trong năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm chung của Thành phố, căn cứ những đánh giá về thị trường lao động trong thời gian tới, đặc biệt sau thời gian nghỉ Tết để tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống các điểm sàn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.