Những mô hình đèn trung thu Sơn Tây hút khách checkin quanh Hồ Gươm
(PNTĐ) - Ngay sau đêm hội “Trung thu thành cổ - Sơn Tây, xứ Đoài” năm 2023 do Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức, sáng 30/9 các mô hình đèn Trung thu đoạt giải nhất, nhì, ba của đêm hội đã đưa đưa về khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm để trưng bày, phục vụ nhân dân Thủ đô và khách tham quan.
Đèn Trung thu hút khách
5 mô hình đèn Trung thu “Rồng vàng trẩy hội trăng rằm” của xã Sơn Đông, “Cánh chim hòa bình” phường Phú Thịnh, “Chắp cánh ước mơ” đến từ xã Kim Sơn và “Voi chín ngà” của phường Trung Hưng và “Chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu” xã Đường Lâm được đưa về phố đi bộ Hồ Gươm là những tác phẩm đèn trung thu tiêu biểu được lựa chọn từ Hội thi mô hình đèn Trung thu đẹp của thị xã Sơn Tây.
Trước đó, trong đêm hội “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây, xứ Đoài”, 15 xã, phường và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã tham gia thi mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng các nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa. Các mô hình đèn Trung thu được đặt trên xe để di chuyển.
Các mô hình được trưng bày tại phố đi bộ Hồ Gươm là nơi đang diễn ra Festival thu Hà Nội 2023. Người dân và khách tham quan đã đến ngắm nhìn và chụp ảnh bên những mô hình đèn Trung thu của các xã, phường thuộc thị xã Sơn Tây.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, việc trưng bày các mô hình đèn Trung thu tại phố đi bộ Hồ Gươm nhằm phục vụ du khách và nhân dân Thủ đô thưởng lãm, chụp ảnh. Đây cũng là dịp quảng bá những nét đặc trưng của mảnh đất Sơn Tây-xứ Đoài được cách điệu qua mỗi mô hình, từ đó thúc đẩy hoạt động du lịch, mời gọi du khách về với Sơn Tây-về miền di sản.
Những ước vọng tương lai sáng
Mô hình “Rồng vàng trẩy hội trăng rằm” đến từ xã Sơn Đông được mô tả từ hình tượng con rồng thời Trần trong truyền thuyết và văn hóa dân gian Việt Nam, với chiều dài 15m, cao hơn 4m, mang tầm vóc có tính khát vọng đổi mới. Điểm nhấn của mô hình là hình ảnh rồng bay lên- tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc được thể hiện trong khung cảnh trời mây, non nước, các em thiếu niên nhi đồng khoác lên mình những trang phục dân tộc gắn với truyền thuyết Con Rồng – cháu Tiên. Xã Sơn Đông xây dựng mô hình với niềm tự hào giòng giống Tiên Rồng; đồng thời, là lời nhắc nhở đến các thế hệ thanh thiếu nhi hãy cố gắng học tập, vươn lên để xứng đáng với lịch sử ngàn năm văn hiến.
Mô hình “Chắp cách ước mơ” lấy ý tưởng từ sản phẩm dịch vụ du lịch quê hương xã Kim Sơn – nơi có điểm đến du lịch Lòng Hồ đã được thành phố công nhận. Với biểu tượng hũ mật và con ong là sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng, đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hũ mật chứa đựng sự ngọt ngào, hương thơm của các loài hoa; hình ảnh con ong giang rộng đôi cánh, chắp nối những ước mơ đưa du lịch Kim Sơn bay cao, vươn xa. Cùng với đó là hình ảnh con thuyền căng buồm chở những ước mơ ấy vươn ra biển lớn, xứng tầm với các điểm du lịch trong nước.
Mô hình “Cánh chim hòa bình” đến từ phường Phú Thịnh mang thông điệp biểu tượng của hòa bình, là tình yêu, khát vọng tự do, hồn nhiên như lứa tuổi thiếu nhi cũng thể hiện những khát vọng tuổi trẻ, sống để yêu thương, giữ đẹp trái đất xanh. Tô điểm cho cánh chim là mô hình vẫy cánh, thiết kế độc lạ hơn cả chú chim đứng trên quả địa cầu xoay tròn - là ước mơ về một thế giới hòa bình, trẻ em trên toàn thế giới được bình đẳng, được bồi đắp yêu thương.
Hình ảnh chiếc đèn Trung thu “Voi chín ngà” - một linh vật mang đầy tính huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh -Thủy Tinh. Voi chín ngà là biểu tượng của sự quý giá, sự hoàn mỹ nhất. Nhắc đến voi chín ngà cũng là gợi nhắc đến Đền Và – di tích lịch sử Quốc gia, tọa lạc tại tổ dân phố 8 Vân Gia phường Trung Hưng – niềm tự hào của người dân Trung Hưng nói riêng cũng như người dân thị xã Sơn Tây nói chung.
Mô hình đèn Trung thu “Chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu” xã Đường Lâm mang đến thông điệp về giữ gìn văn hoá dân gian nhưng cần phải thay đổi để rực rỡ hơn. Văn hoá con người Đường Lâm được thể hiện rất dân gian là hình ảnh mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, chú trâu được kết hợp với hình ảnh chiếc cổng làng quen thuộc, hình ảnh như là biểu tượng của làng cổ. Người dân xã Đường Lâm luôn dành tình yêu cho các em nhỏ, mong muốn cuộc sống an nhiên đến với mọi người.