Những ngày Tháng Tám lịch sử qua hồi ức của "nhân chứng sống"

Chia sẻ

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Và những ngày tháng lịch sử ấy đến nay vẫn còn sống động trong tâm trí của những nhân chứng trực tiếp tham gia phong trào cách mạng ngày ấy.

Cụ Thái Tiên gặp cố Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong một lần gặp mặt truyền thống của Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng DiệuCụ Thái Tiên gặp cố Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong một lần gặp mặt truyền thống của Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (Ảnh: NVCC)

Cụ Lê Đức Vân (thứ ba từ trái sang) cùng các đồng chí Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng DiệuCụ Lê Đức Vân (thứ ba từ trái sang) cùng các đồng chí Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (Ảnh: NVCC)

Ngọn lửa cách mạng trong trái tim chàng trai 17 tuổi

Sinh năm 1928, năm nay 92 tuổi, dù lưng đã còng vì thời gian, nhưng trí nhớ của cụ Lê Đức Vân vẫn rất minh mẫn, nhớ như in những kỷ niệm năm xưa. Cụ Vân là nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và một trong những đoàn viên “trẻ” nhất năm ấy.

Năm 1942, khi đang là học sinh trường Bưởi (THPT Chu Văn An), cụ Vân đã hoạt động cách mạng. 17 tuổi, cụ Vân là một trong những thanh niên tiêu biểu được tham dự lớp giới thiệu Đảng do đồng chí Lê Quang Đạo lúc đó là Trưởng bán cán sự Đảng (sau này là Chủ tịch Quốc hội) phụ trách. Cụ Lê Đức Vân cùng gần 40 thành viên của đội được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Ít lâu sau, cụ Vân vinh dự được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi trường Bưởi phải sơ tán đến khu an toàn, cụ Vân cùng đồng đội nghỉ học để ở lại Hà Nội chiến đấu.

Nhiệm vụ của cụ Vân là trị sự, in ấn, phát hành tờ báo Hồn Nước, rải truyền đơn và phụ trách một số tổ Thanh niên cứu quốc từ Cầu Giấy dọc theo đường Láng đến Ngã Tư Sở. Tháng 6/1945, cụ Vân được giao phụ trách toàn bộ thành đoàn Hà Nội cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra.

Lật lại trang ký ức, cụ kể: “Hôm đó có cuộc mít tinh tổng hội viên chức của chính phủ Trần Trọng Kim. Thành ủy giao cho chúng tôi có trách nhiệm phá cuộc mít tinh đó, biến thành cuộc mít tinh của Việt Minh. Chúng tôi, mỗi người mang một lá cờ giấy nhỏ, chia thành các tổ. Một tổ giao cho đồng chí Từ Trang Anh phụ trách diễn giải. Một tổ bảo vệ cho đồng chí Trang Anh diễn giải. Đồng chí Lê Phan có trách nhiệm lấy micro đưa cho đồng chí Trang Anh. Bấy giờ, đồng chí Trang Anh đã nói khoảng 10 phút và hô hào Nhật lúc này đầu hàng rồi, đây là cơ hội để đồng bào ủng hộ Việt Minh, để tiến lên dành khởi nghĩa... Sau đó đồng chí Nguyễn Khoa Diệu Hồng đọc bản Hiệu triệu của Đảng dân chủ, nội dung kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, đứng lên giành chính quyền.

Trong lúc phát biểu, cuộc mít tinh bắt đầu xôn xao, mất trật tự. Chỗ này hô hào ủng hộ Việt Minh, chỗ kia hô hào Việt Nam độc lập đánh đuổi Nhật - Pháp... Đội danh dự Trừ gian đóng ở Nhà hát Lớn, có đồng chí Mai Tri phấn khích tự dương lá cờ bằng vải lên và nói: “Đồng bào theo tôi!”. Và bất ngờ, cả đám đông quay về phía đồng chí Mai Tri đi theo lá cờ, tự nhiên biến thành một cuộc biểu tình, không trật tự mà rất trật tự. Nhân dân hai bên đường kể cả lính bảo vệ, cảnh sát cũng xuống đường tự nguyện tham gia.

Ngay lúc đó, Thành ủy quyết định họp đến tảng sáng ngày 18/8. Cuộc họp này là do Ủy ban quân sự cách mạng và Thành ủy mở rộng nhằm đánh giá tình hình buổi chiều ngày 17/8 là đủ thời cơ khởi nghĩa, nhân dân Hà Nội tất cả ngả về cách mạng, ngả về Việt Minh, lòng dân sẵn sàng theo Việt Minh. Nếu chọn ngày 18 thì không kịp, nếu sau ngày 19 thì đồng minh vào Việt Nam sẽ khó khăn cho cuộc cách mạng, nên quyết định ngày 19/8 là ngày khởi nghĩa. Đối với quân Nhật lúc đó đóng 2 vạn quân ở Hà Nội, liệu Nhật có đàn áp không? Nên chủ trương phải trung lập hóa Nhật, không đụng vào bất cứ nơi nào có người Nhật đóng? Chúng tôi đã rải truyền đơn tới nơi Nhật đóng, và nói rằng đây là nội bộ của Việt Minh, mong Nhật sớm trở về nước…

Về phân công, chúng tôi được lệnh phân công tổ chức một cuộc mít tinh lớn khoảng mấy chục vạn người, kéo cả nhân dân nội, ngoại thành, các tỉnh ven cạnh tham gia, có tự vệ vũ trang, vũ khí thô sơ, súng ống dùng sức mạnh uy thế chính trị, uy lực của cách mạng, dựa vào đám đông để chiếm tất cả các nơi mà chính quyền bù nhìn đóng giữ”.

Cụ Vân chịu trách nhiệm các xã ven nội thành, tổ chức các xã này cùng với thành phố, đi đến đâu thì họ tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn thành lập chính quyền nhân dân cách mạng. Nhiệm vụ giới thiệu chính sách của Việt Minh, thu dấu, sổ sách của chính quyền cũ. Sau khi đến nhiều xã, số người ủng hộ càng ngày càng đông…Khởi nghĩa ngày 19/8 diễn ra không sớm, không muộn và thành công. Đó là một quyết định sắc bén, sáng suốt của Hà Nội. Và với những người như cụ Vân, đó là những ngày tháng oai hùng không bao giờ phai nhạt trong ký ức.

Người khâu lá cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa

75 năm trước, cụ Nguyễn Thị Thái Tiên là một trong những đoàn viên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong (TNTTXP) thành Hoàng Diệu, một tổ chức quần chúng cách mạng do Đảng thành lập và lãnh đạo. Gặp cụ Thái Tiên (94 tuổi), bí danh Lê Minh Thái trong căn nhà đơn sơ tại khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội), tôi như được sống giữa thời chiến tranh đầy oanh liệt của dân tộc. Xuất thân trong gia đình bố là quan tri phủ, nhưng có truyền thống cách mạng, mẹ nuôi Việt Minh, các anh chị em gái đều tham gia cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chồng cụ là ông Thái Hy, Trưởng ban Liên lạc Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu.

Ngồi lặng lẽ đọc những trang hồi ký, viết những bài thơ ôn lại kỷ niệm. Những bức ảnh của gia đình, bạn bè đã ngả màu thời gian, nhiều người đã khuất núi chỉ còn lại hai chị em gái là cụ Thái Tiên và cụ Phương Trâm, những kỷ niệm của những ngày tham gia khởi nghĩa lại ùa về…

Cụ Thái Tiên mồ côi bố từ năm lên 6 tuổi. Mẹ ôm 8 anh chị em từ Thái Nguyên về Hàng Dầu (Hà Nội) sinh sống. Năm 1944, gia đình cụ ở Hàng Bột, cơ sở cách mạng số 1 của đồng chí Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, năm 1945 là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội). Được giác ngộ cách mạng từ lúc này, cụ Tiên đã tham gia tổ 3 người của trường THPT Đồng Khánh, đi rải truyền đơn. Gia đình cụ nuôi Việt Minh ăn ở, hoạt động họp, có nhà kho chứa vũ khí, truyền đơn, cờ... cụ Thái Tiên và em gái Hồng Ngọc là người được giao giữ chìa khóa, cất giữ tài liệu, canh gác các cuộc họp.

Cụ Tiên nhớ lại một sự việc xảy ra (tại trại Nghi Tàm, nay là khách sạn Sheraton) tưởng đơn giản, nhưng đầy mưu trí, hài hước của cô em gái Phương Trâm lúc đó 13 tuổi. Tháng 5/1945, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Hà Minh Tuân, Trưởng ban liên lạc Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu giao 3 chị em cụ gồm Thái Tiên, Quỳnh Vân, Hồng Ngọc khâu 2 lá cờ, to bằng cái chiếu đôi. Khâu cờ có 2 mặt sao và vòng chữ Việt minh, lá cờ khâu phải đẹp, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Hôm đó, các chị em đóng cửa chính, mở cửa nhỏ để nếu có động thì thoát. Ba chị em trải vải xuống khâu và phân công em gái Phương Trâm canh gác bên ngoài, khi có động tĩnh phải báo ngay.

Đang hí húi khâu thì cụ Trâm nhìn thấy quân Nhật đi vào gần tới nhà. Tất cả hoảng hốt, chưa biết giấu vải ở đâu thì Phương Trâm nhanh chóng chạy vào ôm tất cả vải và rổ đồ khâu chui tọt vào gầm phản. Khi lính Nhật ập vào, chỉ thấy mấy chị em người đang đánh đàn, người đọc sách. Lính Nhật nhìn quanh không phát hiện ra điều gì nên nhanh chóng rút lui… Kỷ niệm này khi về hưu cụ Tiên đã viết một bài “lòng biết ơn” em gái mưu trí cứu các chị khỏi bị Nhật bắt.

Cụ Tiên kể cụ được phân công trong ban tuyên truyền, tối 19/12/1946 đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch tại địa điểm mít tinh ở Ô Chợ Dừa. Hôm ấy chưa kịp đọc thì 8 giờ tối đại bác của ta ở Pháo Đài Láng nổ và tiếng súng “tắc bọp” của Việt gian bắn như sao sa. Toàn thành phố tắt đèn, kháng chiến bắt đầu, cuộc mít tinh phải giải tán... Các anh chị em phải dắt tay nhau để giữ liên lạc, rồi được đưa tới tập trung nhà bác sĩ Lẫm. Mọi người được trú trong buồng kho vài mét vuông. Sáng hôm sau được tiếp tế mỗi người một nắm cơm. Do nấu từ hôm trước, bọc kỹ nên cơm đã có mùi thiu. Cô em gái Hồng Ngọc bấy giờ 15 tuổi lần đầu không về nhà, òa lên khóc, nhưng ngay lập tức đã bình tĩnh lại...

Một kỷ niệm khác, ngày đi công tác trong rừng ở Hòa Bình bị lạc, cụ nghĩ đến đêm phải trèo lên cây tránh hổ báo. Cụ Tiên ra suối ngồi, may gặp một ông người Mường và xin đi theo ra cửa rừng. Tất cả những kỷ niệm đó, cụ Tiên đã viết thành hơn 200 bài thơ, nhiều trang lưu bút thi thoảng lại đọc cho các em gái và con cháu nghe.

Với những nhân chứng sống như cụ Lê Đức Vân, cụ Thái Tiên, lịch sử không bao giờ bị phai mờ mà nó sẽ còn mãi giá trị để các thế hệ mai sau nối tiếp truyền thống oai hùng đó, và viết tiếp những trang lịch sử mới vẻ vang của đất nước.

Phạm Hằng

Tin cùng chuyên mục

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động đi làm thêm thì được tính tiền lương làm thêm giờ. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm ban đêm, được trả ít nhất 390% lương, so với lương ngày làm việc bình thường.