Nơi lưu giữ những trang sử hào hùng vì nền độc lập của dân tộc

Chia sẻ

Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên hiện đang lưu giữ hơn 4.000 kỷ vật linh thiêng. Qua ký ức của hai nhân chứng - hai chiến sỹ cách mạng Lâm Văn Bảng và Kiều Văn Uỵch, chúng ta càng biết ơn và khâm phục nghị lực phi thường của các chiến sỹ đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do, hòa bình dân tộc.

Ông Kiều Văn Uỵch giới thiệu tại khu trưng bàyÔng Kiều Văn Uỵch giới thiệu tại khu trưng bày

Địa chỉ đỏ của lịch sử vẻ vang

Tiếp đón chúng tôi là hai người chiến sỹ cách mạng đều từng bị địch bắt tù đày ở Nhà tù Phú Quốc là ông Lâm Văn Bảng (77 tuổi) và ông Kiều Văn Uỵch (73 tuổi). Ông Lâm Văn Bảng cho biết, 14 năm nay, kể từ khi Bảo tàng chính thức được thành lập (2006), tháng 8 luôn có lượng khách từ 3.000-4.000 người, bởi đây là dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám (19/8) và Quốc khánh (2/9). Khách tham quan là những cựu chiến binh tìm về kỷ niệm xưa, thân nhân gia đình liệt sỹ, học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Năm nay, do dịch Covid-19 nên bảo tàng tạm ngưng đón khách để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh. Và cũng vì Covid-19 nên Bảo tàng phải hoãn cuộc thi Tài năng trẻ (được tổ chức vào ngày 10/8 hằng năm) cho các cháu từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT). Ông Bảng cho hay: “Thời gian này, các ông vẫn tiếp đón khách, đặc biệt đi nhóm nhỏ và trông nom, bảo quản hiện vật chu đáo”.

Sau khi thắp nén hương thành kính lên ban thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ, chúng tôi được đến thăm từng phòng trưng bày. Qua lời kể mộc mạc, giản dị, chân tình của hai ông, mỗi kỷ vật là một câu chuyện sống động đầy ý nghĩa.

Đó là những chiếc thùng phuy, chuồng cọp chằng dây thép gai, căn biệt giam hơn 100 người chỉ trong 27m2… để tra tấn các chiến sỹ với những hình thức tra tấn tàn độc. Những hình ảnh, hiện vật được ông Bảng, ông Uỵch và các đồng đội ở Bảo tàng tái hiện lại chân thực sự tàn bạo, dã man nhất của kẻ thù với các chiến sỹ, bởi chính hai ông cũng từng là tù nhân bị tra tấn tại Nhà tù Phú Quốc.

Ông Kiều Văn Uỵch cho biết, cuối năm 1971 ông bị địch bắt tù đày ở Nhà tù Phú Quốc. Khi đó, ông bị giam tại phân khu biệt lập C8, khu dành cho những người địch cho là cấp cao, đầu sỏ. Tại bảo tàng, có chiếc lồng sắt chứa bức tượng chiến sỹ ngồi gò lưng bên trong, dây thép gai chằng chịt, được gọi là “chuồng cọp” chính là hiện vật mô phỏng hình ảnh ông Uỵch đang bị tra tấn.

Ông Uỵch còn nhớ như in: “Khi chúng nhốt tôi vào chuồng cọp và đem ra bãi cát để phơi, trên người chỉ có chiếc quần đùi. Ban ngày nắng cháy, bỏng phồng rộp da, đầu đau như muốn nổ tung. Ban đêm gió biển thổi lạnh cứng đơ toàn thân. Mỗi ngày chúng chỉ cho ăn một nắm cơm trộn muối và chén nước. Anh em tù tiếp tế bị địch phát hiện, chúng dùng nilon đốt cháy cho chảy nhựa xuống đầu, cổ, da thịt tróc từng mảng”.

Kế bên là hiện vật mô phỏng đồng chí Bảy Ly bị địch bắt ngồi vào thùng phuy úp ngược, chúng đập mạnh trên đầu, tiếng vang và sức ép khiến máu chảy ộc và đồng chí đã hy sinh. Bức tượng chiến sỹ bị treo ngược lên xà này là Dương Bá Ngải, quê thôn Trình Yên, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã bị tra tấn đến khi chết nhưng vẫn vững khí tiết người cộng sản… “Chúng tôi vẫn động viên nhau chịu đựng và thà chết chứ không đầu hàng” - giọng ông Kiều Văn Uỵch xót xa khi hồi tưởng về nhiều đồng đội đã hy sinh bởi đòn tra tấn hiểm ác của kẻ thù.

Vì một đất nước yêu chuộng hòa bình

Trên cánh tay đầy sẹo chằng chịt của ông Lâm Văn Bảng, là chứng tích bị địch tra tấn khi ông bị tù đày ở khu biệt lập B2, Nhà tù Phú Quốc từ năm 1970-1973, và 7 lần trải qua các cuộc phẫu thuật. Ông Bảng cho hay: “Tôi bị vậy còn nhẹ. Đồng đội tôi bị thương tích nhiều lắm, đã hy sinh rồi”. Ông lại tiếp dòng suy nghĩ: “Chính những ký ức về tội ác của kẻ thù đã thôi thúc tôi làm một điều gì đó để tri ân đồng đội, lên án chiến tranh và giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu hòa bình”.

Những hiện vật ghi dấu lịch sử tại bảo tàngNhững hiện vật ghi dấu lịch sử tại bảo tàng

Ông Lâm Văn BảngÔng Lâm Văn Bảng

Từ năm 1985, ông Bảng đã bắt đầu sưu tầm những kỷ vật, đầu tiên là quả bom tấn, rồi tiếp theo là những chuyến đi dài tìm lại những chứng tích về đồng đội. Trong cuộc kiếm tìm, ông đã có sự đồng hành của hai người anh ruột cũng là chiến sỹ bị địch bắt tù đày và nhiều đồng đội trên cả nước.

Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày được biết đến là nơi có một không hai bởi hoạt động theo tinh thần 4 tự (tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm). Bảo tàng được gây dựng từ những đóng góp công sức, góp kỷ vật… đều là nhân chứng sống, là những chiến sỹ bị địch bắt tù đày. Bên cạnh đó, bảo tàng còn có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, đã quy tụ được hơn 4.000 hình ảnh, hiện vật trưng bày tại 10 phòng. Trong đó có 1 phòng 200m2 trưng bày được mở rộng trên diện tích đất công của xã Nam Triều từ năm 2012, và còn 2.000m2 trong khuôn viên của gia đình ông Bảng.

Dừng lại hồi lâu hơn trước kỷ vật lá cờ nhỏ gọn trong lòng bàn tay, ông Bảng kể: “Nó được du khách nước ngoài xin mua với giá 40.000USD mà chúng tôi không bao giờ bán. Nó có giá trị vô song, bởi đó là máu xương của đồng đội, là linh hồn của Tổ quốc, là báu vật vô giá của những người bị tù đày. Lá cờ này được người bạn tù Phú Quốc tự tay thêu trong khi bị giam giữ, là minh chứng lòng trung thành với Đảng. Với chúng tôi, lá cờ đã nuôi dưỡng niềm tin để những người tù Phú Quốc bền chí, kiên cường đấu tranh với kẻ thù và nhiều đồng chí đã kết nạp đảng viên dưới lá cờ này. Qua nhiều người truyền nhau, đến đồng chí Nguyễn Văn Dư quê ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai giữ lá cờ. Để bảo vệ lá cờ không bị địch phát hiện, mỗi lần bị lục soát, đồng chí Dư lại cuộn nhỏ cờ vào túi ni lông, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày, khi an toàn thì kéo cờ ra treo ngay ngắn để động viên, củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sỹ”- ông kể.

Sau này, ông Bảng đã rất kỳ công mới xin được đồng đội cho mang về bảo tàng. Những kỷ vật thiêng liêng ấy được ông Bảng cùng đồng đội tìm và đưa về bảo tàng ngày càng nhiều hơn. Ông Bảng cùng gia đình đã mở Phòng truyền thống tại nhà, rồi mở rộng các phòng trưng bày. Đến năm 2006, Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức được thành lập trên diện tích 2.000m2 đất của gia đình ông Bảng.

Ông Bảng cho biết: Khi thành lập Bảo tàng, tôi đã đưa gia đình về khu tập thể ở, để dành riêng khu này cho anh em làm nơi trưng bày các kỷ vật của đồng đội, là nơi đón vong linh các anh đã hy sinh và các anh còn sống trở về đây tề tựu, ôn lại ký ức xưa.

Hiện nay, bảo tàng mới xây dựng thêm khu nhà ở để làm chỗ nghỉ cho khách xa về được ăn trưa hay ngủ lại qua đêm cùng đồng đội. Ông Bảng chia sẻ: “Các anh em xa gần về đây như về nhà mình, được ăn ngủ cùng đồng đội cho ấm lòng”.

Hiện tại, bảo tàng có 16 người thường trực, trong đó 13 người đều là chiến sỹ bị địch bắt tù đày như: ông Bùi Hữu Thể, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Tiến Mộ, Nguyễn Đình Quốc… nay đều ở tuổi thất thập; có 3 người phụ nữ ngoài 50, 60 tuổi góp công sức trông nom bảo tàng. Những người trông nom bảo tàng luôn coi đây là sứ mệnh kết nối quá khứ đau thương, hào hùng của dân tộc với đời sau nên ngoài duy trì, bảo tồn, họ còn tích cực tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, hình ảnh và đưa đến cho nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chia tay ông Bảng, ông Uỵch và bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, đọng lại trong chúng tôi là lòng biết ơn sâu sắc tới ông Bảng, ông Uỵch và những chiến sỹ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, là những trang sử sống động giáo dục cho thế hệ trẻ trau dồi tri thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để xứng đáng với sự hy sinh của ông cha, vì một đất nước yêu chuộng hòa bình.

Bài và ảnh: Vân Nga

Tin cùng chuyên mục

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

(PNTĐ) - Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày mai 20/5/2024, dự kiến sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi); Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ

Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ

(PNTĐ) - Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ chiến sĩ, văn sĩ… yêu nước lại nhắc lại kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ. Đó là niềm vinh dự, kỷ niệm quá đỗi linh thiêng và không thể nào quên được...
Hình ảnh Bác luôn sáng mãi

Hình ảnh Bác luôn sáng mãi

(PNTĐ) - Với người trẻ, mặc dù chỉ biết Bác qua các bộ phim tư liệu, bài hát, phương tiện truyền thông, hay qua lời kể của ông bà… thế nhưng họ luôn dành một tình cảm đặc biệt kính trọng đối với Bác.
Hơn 60 gian hàng nông sản tiêu biểu phục vụ người dân và du khách tại Thành cổ Sơn Tây

Hơn 60 gian hàng nông sản tiêu biểu phục vụ người dân và du khách tại Thành cổ Sơn Tây

(PNTĐ) - Tối 18/5, tại không gian phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây, Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao, thân thiện môi trường của Thủ đô Hà Nội và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.