NSND Lương Thùy Linh: Lan tỏa nghệ thuật chèo trên TikTok

THU TRÀ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghệ thuật truyền thống vốn được cho là khó tiếp cận với giới trẻ ngày nay. Sau hơn 20 năm hoạt động trong Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Lương Thùy Linh đã chứng minh điều ngược lại với kênh TikTok của mình.

Phóng viên: Sau khi xây dựng kênh TikTok "NS Thùy Linh CHÈO" được một thời gian, chị nhận ra TikTok có điều gì khác biệt so với những gì chị từng nghĩ?

NSND Lương Thùy Linh: Ban đầu, mình nghĩ rằng TikTok là một nền tảng dành cho giới trẻ, người sử dụng TikTok cũng là những người trẻ, họ thích những thứ hào nhoáng lấp lánh, thích những thể loại nhạc có tiết tấu nhanh, hiện đại. 

NSND Lương Thùy Linh: Lan tỏa nghệ thuật chèo trên TikTok - ảnh 1
NSND Lương Thùy Linh, Nhà hát Chèo Quân đội

Trước khi đăng video đầu tiên Linh cũng tự hỏi bản thân mình rằng liệu những tiết tấu chậm chậm, nhạc mang âm hưởng buồn buồn nỉ non như chèo có thể nào “chạm” được tới các khán giả trên nền tảng hiện đại như TikTok được hay không? Khi đã làm kênh một thời gian mình mới nhận ra, TikTok hay khán giả không hề khó tính. 

Chèo và rất nhiều các loại hình nghệ thuật truyền thống khác luôn có một sức hút rất khó diễn tả. Nó giống như hồn cốt dân tộc, tinh túy của cha ông đã được “cài đặt” sẵn trong mỗi người Việt Nam vậy. Chỉ cần có môi trường, bối cảnh, điều kiện, có “chất xúc tác” hợp lý, tình yêu với những gì thuộc về truyền thống sẽ được khơi dậy trong mỗi người.

Ngoài ra, lúc đầu Linh cũng cho rằng những người trung và lớn tuổi sẽ ít dùng TikTok nhưng không phải. Số lượng người lớn tuổi dùng TikTok thực sự là rất nhiều và mình cảm thấy đối tượng khán giả này đôi khi còn tương tác hăng hái hơn cả các bạn trẻ nữa.

Đó chính là những điều mà Linh cảm thấy khá bất ngờ và ngạc nhiên từ trước và sau khi dùng nền tảng này.

Phóng viên: Khi được đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ, yêu mến và đón nhận nghệ thuật chèo qua các video TikTok của mình, điều gì khiến chị tâm đắc nhất trong những bình luận, phản hồi từ khán giả tại kênh này?

NSND Lương Thùy Linh: Có một bình luận mà Linh rất nhớ, đó là của một bạn thế hệ gen Z. 

Bạn nhắn tin cho Linh và nói rằng em là một thế hệ gen Z sinh ra và lớn lên ở thành phố, gia đình bạn cũng là gia đình khá hiện đại nên gần như bạn chưa bao giờ nghe đến chèo. Nhưng bạn lướt TikTok và thấy video hát chèo của Linh, bạn thấy khá thú vị nên đã theo dõi kênh của Linh. 

NSND Lương Thùy Linh: Lan tỏa nghệ thuật chèo trên TikTok - ảnh 2
NSND Lương Thùy Linh lan toả nghệ thuật chèo lên TikTok

Sau một thời gian thì bạn cảm thấy hát chèo rất hay. Sau đó bạn có tìm thêm các sản phẩm khác của Linh trên nền tảng Youtube và càng ngày càng trở nên say mê với chèo hơn. Bạn có nhắn là “Cảm ơn chị Linh vì đã “khai sáng” cho em về nghệ thuật chèo”.  

Thực sự là đọc những tin nhắn như vậy mình cảm thấy vừa xúc động, vừa tự hào. Tin nhắn này của bạn cũng vừa là động lực, vừa truyền cảm hứng cho Linh rất nhiều trong việc cố gắng biến chèo trở nên gần gũi với đại chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hơn nữa.

Phóng viên: Chị có thể chia sẻ bí quyết nào về cách chọn lọc nội dung, sáng tạo video và tương tác với khán giả trên TikTok để thu hút và giữ chân người xem?

NSND Lương Thùy Linh: Linh thấy rằng với nền tảng này, mình chỉ nên đưa những gì hay về phần nghe và hấp dẫn nhất về phần nhìn lên đầu tiên. 

NSND Lương Thùy Linh: Lan tỏa nghệ thuật chèo trên TikTok - ảnh 3
NSND Lương Thùy Linh, Nhà hát Chèo Quân đội 

Trong chèo rất hay có các đoạn ngâm (thường là phần mở của một bài hát chèo - PV). Mặc dù trong nghề thì hiểu các đoạn ngâm đó rất hay, đôi khi cần nhiều kỹ thuật hơn cả đoạn hát, nhưng mình nghĩ TikTok không phù hợp với các đoạn ngâm tiết tấu chậm như vậy nên mình thường đưa các đoạn vào trổ (tương tự như điệp khúc - PV) của bài hát chèo lên trước. 

Thứ 2 nữa là về thể loại, hát chèo thì có chèo cổ và chèo lời mới. Chèo cổ có rất nhiều từ cổ không phải ai cũng hiểu được nên Linh ưu tiên các bài hát chèo lời mới về các chủ đề người mẹ, chủ đề quê hương, chủ đề người lính… để gần gũi và dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả hơn.

Còn về mặt hình ảnh thì Linh ưu tiên lựa chọn các video có đầu tư trang phục, hình ảnh, độ phân giải… để đúng tỉ lệ khung hình của TikTok, sử dụng hashtag (cụm từ được viết ngay sau dấu # - PV), tối ưu mô tả… 

Khi video đăng lên và khán giả vào bình luận, nếu có thời gian mình cũng đọc và trả lời hết các bình luận của mọi người. 

Phóng viên: Mạng xã hội TikTok mang lại những cơ hội gì cho chị nói riêng và việc lan tỏa và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống nói chung trong bối cảnh hiện đại?

NSND Lương Thùy Linh: Cơ hội cho bản thân Linh, có lẽ là được nhiều người biết đến hơn. Trước đây khi chưa có mạng xã hội, các nghệ sĩ ít được biết đến. Các nghệ sĩ hoạt động trong quân đội có khi còn ít hơn, vì công việc chủ yếu phục vụ trong môi trường quân đội mà. Nhưng kể từ khi có Facebook, Youtube, TikTok, mình đi ra ngoài cũng có nhiều người nhận ra hơn. Đó thực sự là một niềm vui rất lớn.

NSND Lương Thùy Linh: Lan tỏa nghệ thuật chèo trên TikTok - ảnh 4
Nghệ sĩ Lương Thuỳ Linh đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống

Còn đối với việc lan tỏa và phát triển nghệ thuật chèo, Linh nghĩ rằng mạng xã hội chính là cơ hội vàng để chúng ta quảng bá, lan tỏa về chiều rộng, từ đó có thể phát hiện ra những nhân tố thực sự có tài năng, có tâm huyết với nghề để đào tạo theo chiều sâu. 

Mạng xã hội đẩy nhanh việc tiếp cận thông tin tới số lượng lớn người dùng cả về quy mô và khoảng cách địa lý. Có rất nhiều khán giả của Linh ở miền Trung, miền Nam đã trở thành fan hâm mộ của chèo. 

Nhờ mạng xã hội, chèo đã đến được với số đông khán giả. Trước đây chỉ miền Bắc mới nghe chèo, yêu chèo, nhưng giờ đây miền nào cũng có người nghe chèo, yêu chèo rồi. Đó là cơ hội và Linh nghĩ rằng mình đang nỗ lực nắm lấy cơ hội đó thông qua kênh TikTok của mình.

Phóng viên: Chị suy nghĩ thế nào về vai trò của nghệ sĩ trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống qua các nền tảng số?

NSND Lương Thùy Linh: Với tư cách là một nghệ sĩ cũng có thể gọi là khá lâu năm trong nghề, Linh nghĩ rằng bản thân mỗi người nghệ sĩ nên là một “kênh” truyền thông cho loại hình nghệ thuật mà mình đang hoạt động. Điều này vừa là trách nhiệm với nghề, vừa là một niềm tự hào mà không phải ai cũng có được.

Linh nghĩ rằng nhiều anh chị nghệ sĩ, đặc biệt là lớp nghệ sĩ lớn tuổi thường có suy nghĩ rằng các nền tảng số rất khó để tiếp cận, khán giả trên nền tảng số cũng khó có thể hiểu được cái hay cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. 

Nhưng nếu như bản thân các nghệ sĩ không cởi mở hơn, không xuất hiện trên các nền tảng đó thì ngay cả việc “được biết đến” cũng đã khó rồi, chưa nói đến việc làm cho giới trẻ “hiểu” về nghệ thuật truyền thống.

Ngoài ra Linh cũng nghĩ rằng bản thân các nghệ sĩ, dù là am hiểu hay không am hiểu về kỹ thuật, về nền tảng, nhưng chỉ cần khán giả thấy được niềm tự hào của mình với nghề, thấy được đam mê của mình với nghề nói riêng và với nghệ thuật truyền thống nói chung đã là một sự thành công cực kỳ lớn rồi.

Linh luôn tin rằng mọi thứ đều có năng lượng đủ sức để lan tỏa. Nên nếu nghệ sĩ đã có sẵn tình yêu với nghề, với nghệ thuật truyền thống, thì chỉ cần sử dụng các nền tảng có thể truyền thông tốt, chắc chắn nghệ sĩ đó và nghệ thuật truyền thống sẽ lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Tin cùng chuyên mục

Phường Trúc Bạch mới sẽ hoạt động bình thường từ ngày 1/1/2025

Phường Trúc Bạch mới sẽ hoạt động bình thường từ ngày 1/1/2025

(PNTĐ) - Chiều 30/12, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình (Hà Nội) công bố Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025 tại quận Ba Đình và Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ quận về việc thành lập Đảng bộ phường Trúc Bạch.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm hỏi bà con gốc Việt tại khu vực Tây Nam Campuchia

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm hỏi bà con gốc Việt tại khu vực Tây Nam Campuchia

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình công tác tại Campuchia, trong các ngày 28 - 29/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và đoàn công tác đã thăm tỉnh Preah Sihanouk, làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk và gặp gỡ Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia (KVA) chi nhánh tại tỉnh Preah Sihanouk.