Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chiều 26/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên…

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh có thể khẳng định những kết quả đạt được đã tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kết quả nổi bật, kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2022, tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,83%. Giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng GRDP bình quân 5,86%. Năm 2022, Thành phố đã hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 0,87%. Quý I/2023 tăng trưởng 5,8%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%.

Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, chăm lo cho đoàn viên, hội viên được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả. Trong những năm gần đây, toàn Thành phố đã tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 303 tỷ đồng; vận động trên 236 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”. Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, MTTQ Việt Nam Thành phố cùng các tổ chức thành viên đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 1.352,8 tỷ đồng; tiếp nhận ủng hộ cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến...

Tại Thị xã Sơn Tây, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện đi vào nề nếp, gắn chặt với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay và nhiều điển hình tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực. Đã vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Ban Thường vụ Thị ủy về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất gieo trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cá sấu, nhím, dế, ong… với cách vận động hợp lòng dân nên nhiều mô hình trang trại phát triển đạt hiệu quả cao; hai làng nghề truyền thống được công nhận (làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, thêu ren Ngọc Kiên). Phong trào vận động sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân đã thu hút hàng nghìn lượt hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi bốn cấp, hàng năm có khoảng 400 lượt hội viên đạt danh hiệu kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào đã đem lại hiệu quả thiết thực; đến nay, thị xã có gần 200 trang trại cho hiệu quả kinh tế cao; 300 vườn sinh vật cảnh, trong đó có hàng chục vườn có giá trị trên 1 tỷ đồng, nhiều vườn có giá trị trên 500 triệu đồng, thu hút hàng trăm lao động…

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - ảnh 1
Các đại biểu Trung ương và thành phố tham dự hội nghị.

Phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, quận Long Biên đã triển khai thực hiện 06 giải pháp phòng ngừa theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm: Thực hiện tốt việc công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó nhiều giải pháp triển khai thực hiện tốt được phát huy; tập trung thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính ở địa phương theo hướng cụ thể, hiện đại và hiệu quả…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Sau 20 năm thực hiện, Nghị quyết đã phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và góp phần thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - ảnh 2
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen cho các tập thể.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23-NQ/TW, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát và thực hiện đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân”. Lấy mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, khẳng định vị thế, bản sắc con người Hà Nội bản lĩnh, trí tuệ, thanh lịch, văn minh là điểm chung nhất, điểm tương đồng để dựa vào đó tập hợp các tầng lớp Nhân dân Thủ đô trong và ngoài nước.

Thực hiện quan điểm phát triển bền vững, bao trùm “không ai bị bỏ lại phía sau”, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích, quan tâm đối tượng khó khăn trong xã hội, từng bước giảm mức độ phân hóa giàu nghèo, tạo cơ hội phát triển công bằng, bình đẳng đối với mỗi người dân. Công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch là mục tiêu, là nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để hoàn thiện chính sách…

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát cơ sở; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự vững mạnh. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Kịp thời biểu dương những việc làm tốt, tăng cường tuyên truyền vận động và kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng tới an ninh trên địa bàn.

Nhân dịp này, Ban Thường vu Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập và 10 cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Tin cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

(PNTĐ) - Sáng 7/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Cần quy định về cơ chế tài chính linh hoạt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Cần quy định về cơ chế tài chính linh hoạt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

(PNTĐ) - Chiều 6/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.Các đại biểu góp ý về những điểm mới, tiến bộ, với các quy định khơi thông tiềm năng cho khu vực kinh tế tư nhân; mở ra cơ hội thu hút nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học.