Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 24/8, tại huyện Chương Mỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo "Thực trạng giải pháp phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hội thảo là cầu nối bổ ích giúp cho nông dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ có điều kiện được trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nắm bắt các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn giúp cho nông dân, các chủ trang trại, Hợp tác xã phát triển sản xuất bền vững.

Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại hội thảo 

Chương Mỹ là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, trong đó có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hình thành được 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp . Điển hình như: Mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của HTX rau, quả sạch Chúc Sơn; Mô hình sản xuất lúa hữu cơ Đồng Phú, bưởi hữu cơ tại Nam Phương Tiến; Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao tạo các "sông trong ao" tại xã Ngọc Hòa; Mô hình phát triển vùng sản xuất lúa Japonica...

Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - ảnh 2
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, đơn vị quản lý nhà nước đã cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân như: Quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; các giải pháp xây dựng nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết; điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật để người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật. Đồng thời, kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc liên kết chuỗi giá trị nông sản không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ ổn định sản phẩm trong mọi tình huống.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ tại kênh phân phối hiện đại.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng 50 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Cùng với việc định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới, Hà Nội sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng phục vụ hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Cũng từ ngày 24 – 27/8, nhằm giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Chương Mỹ tổ chức “Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022”.

Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - ảnh 3

Các sản phẩm OCOP  tham gia hội chợ tại Chương Mỹ từ ngày 24 - 27/8

Theo BTC, tham gia Hội chợ có trên 100 gian hàng của các chủ thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với trên 80 đơn vị thuộc thành phố Hà Nội và 13 tỉnh trên cả nước như (Tuyên Quang, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Phòng).

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, sự kiện nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; Giúp các chủ thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến và xu thế thời đại để từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Đồng thời, hội chợ là cơ hội giúp các chủ thể, doanh nghiệp và cộng đồng tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Hội chợ còn là hoạt động thiết thực triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chính phủ ban hành; đồng thời góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chương trình Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố  Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

(PNTĐ) - Chỉ số VN-Index lao dốc trong phiên 15/4 nằm trong dự báo của giới chuyên gia dựa vào một số yếu tố như các quỹ lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư, đáo hạn phái sinh và các biến động tiêu cực đến từ tình hình quốc tế...