Quận Nam Từ Liêm có 5 dự án đã "hành quân" ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai

Chia sẻ

(PNTĐ) – Những ô đất hiện trong danh mục đã có quyết định sử dụng đất hoặc chứng nhận đầu tư tại quận Nam Từ Liêm đều là “đất vàng”, nhiều ô đã thu hồi từ người dân rất lâu mà chưa được sử dụng, rất lãng phí, nhất là những dự án giao thông đô thị, phục vụ an sinh xã hội… rất được quan tâm.

Đoàn thị thực giám sát tại khu dự án Khách sạn Hoa Sen tại phường Mễ TrìĐoàn giám sát thị thực tại khu dự án Khách sạn Hoa Sen tại phường Mễ Trì

Chiều 1/4, Đoàn giám sát Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. 

Đoàn đi thực tế khảo sát 3 dự án: Đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm tại phường Trung Văn (Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà làm CĐT); Khách sạn Hoa Sen tại phường Mễ Trì (Công ty TNHH MTV PT Khách sạn Hoa Sen làm CĐT); Trung tâm dạy nghề Cửu Long tại phường Xuân Phương (Công ty CP sản xuất và XNK Cửu Long làm chủ đầu tư-CĐT).

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc NamPhó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam báo cáo

Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND Thành phố, Quận ủy-HĐND-UBND quận đã phối hợp với các Sở, ban ngành của Thành phố chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục và triển khai thực hiện các dự án. Thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn đã được đầu tư đưa vào sử dụng, góp phần hiện thực hóa quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó còn tồn tại các dự án được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/7/2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành) nhưng nhà đầu tư chưa triển khai theo tiến độ được phê duyệt, phải thực hiện điều chỉnh tiến độ hoặc gia hạn sử dụng đất.

UBND quận Nam Từ Liêm đã chủ động kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn, đề xuất UBND thành phố thu hồi giao cho địa phương đầu tư xây dựng. UBND quận phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát 36 dự án (14 dự án nhà ở; 6 dự án trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ; 10 dự án văn phòng, khách sạn, khu trưng bày sản phẩm; 6 dự án bãi đỗ xe...) đã được giao đất, với diện tích 111,6 ha; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát 12 dự án chưa có quyết định giao đất.

Theo Báo cáo số 57/BC-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội ngày 17/7/2018, sau khi thực hiện giám sát, tại thời điểm này quận Nam Từ Liêm có 48 dự án chậm được triển khai. UBND quận Nam Từ Liêm thực hiện báo cáo trên trong thời gian nhiều năm qua nhưng phần lớn các dự án đã được giám sát vẫn bị chậm tiến độ. Nguyên nhân được lãnh đạo quận đưa ra là do một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch phân khu, do vậy chủ trương đầu tư hết thời hạn phải xin điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Một số dự án chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai năm 2013, đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng vẫn tiếp tục phát sinh vướng mắc chính sách về đất dịch vụ, dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu kiện ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thực hiện.

Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thấp hơn giá đất các chủ đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên một số hộ dân chậm phối hợp thực hiện. Một số dự án phải điều chỉnh theo quy hoạch phân khu đô thị.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư có năng lực còn hạn chế, chưa tích cực phối hợp với các sở, ngành của thành phố và quận để hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định. Có nhà đầu tư còn không liên hệ với quận, thậm chí có dự án hơn 10 năm mà nhà đầu tư mà chưa một lần liên hệ với quận để tổ chức giải phóng mặt bằng, …

Lãnh đạo quận Nam Từ Liêm kiến nghị, với các dự án phải thực hiện điều chỉnh đầu tư do điều chỉnh quy hoạch phân khu hoặc vướng giải phóng mặt bằng, UBND thành phố chỉ đạo sở ngành hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư gia hạn, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định; tiếp tục kiểm tra, giám sát những dự án không liên hệ chính quyền địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng; trường hợp dự án không đủ điều kiện thì xem xét thu hồi để có phương án sử dụng vào mục đích khác phù hợp quy hoạch, phát triển KT-XH của địa phương. 

Quận Nam Từ Liêm đề xuất UBND thành phố giao sở, ngành tham mưu quy chế phối hợp cung cấp thông tin với những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, để được cập nhật nhằm kịp thời phát hiện, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết với dự án chậm, không triển khai. Kiến nghị thành phố giao UBND quận làm chủ đầu tư xây tuyến đường Đại Lộ Thăng Long-KĐT Dương Nội (quận Hà Đông) và cải tạo mở rộng đường 70 tại các phường Phương Canh, Xuân Phương, Tây Mỗ; tiếp tục chuyển tiếp đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố các dự án đường giao thông theo Văn bản 608 ngày 28/11/2017 của HĐND TP và Thông báo 543-TB/TU ngày 10/2/2017 của Thành ủy. 

Với các khu đất đã giải phóng mặt bằng xong theo quy hoạch nhưng chưa thực hiện dự án và các khu đất nông nghiệp xen kẹt không còn khả năng SXNN, cần cho phép UBND quận lập phương án tạm thời sử dụng đất, đến khi thực hiện dự án thì bàn giao lại theo Thông báo 543-TB/TU.

Đoàn giám sát nhận định, việc triển khai các dự án tại quận Nam Từ Liêm sau khi có kết luận giám sát và đến nay là lần tái giám sát thứ hai, dù có chuyển biến nhưng không nhiều, phần lớn dự án vẫn đang trong quá trình rà soát, chỉ chuyển biến “trên giấy”.

Đoàn giám sát thị thực tại khu dự án Trung tâm dạy nghề Cửu Long tại phường Xuân PhươngĐoàn giám sát thị thực tại khu dự án Trung tâm dạy nghề Cửu Long tại phường Xuân Phương.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, đây là đợt tái giám sát quan trọng của Thường trực HĐND thành phố, do lĩnh vực đất đai, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là vấn đề khó, cử tri kiến nghị nhiều, nhất là tình trạng đất hoang hóa, chậm triển khai, vi phạm Luật… trong khi, những ô đất hiện trong danh mục đã có quyết định sử dụng đất hoặc chứng nhận đầu tư tại quận Nam Từ Liêm đều là “đất vàng”; nhiều ô đã thu hồi từ người dân rất lâu mà chưa được sử dụng, rất lãng phí; nhất là những dự án giao thông đô thị, phục vụ an sinh xã hội… rất được quan tâm.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà kết luậnPhó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà kết luận buổi làm việc. 

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận quận có cố gắng thực hiện chỉ đạo của thành phố trong tổ chức quản lý đất đai nói chung và dự án vốn ngoài ngân sách nói riêng; đồng thời, đề nghị quận chỉ rõ những chủ đầu tư năng lực hạn chế, không phối hợp, nhằm có cơ sở rà soát, kiến nghị cụ thể và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo Luật. 

Năm 2018, khi HĐND thành phố giám sát quận Nam Từ Liêm có 48 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật, đến nay quận báo cáo có 43 dự án, 5 dự án đã "hành quân" ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai; nhiều dự án tiếp tục được gia hạn, kéo dài, hoặc không có chủ trương đầu tư; 12 dự án chưa được giao đất. Còn 7 dự án chậm GPMB, 20 dự án chậm có tiến độ vẫn giậm chân tại chỗ, cần tiếp tục giám sát; 4 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền trên 62 tỷ đồng. Vì vậy, cần suy nghĩ, có thái độ rõ ràng với chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch đề nghị UBND quận nhanh chóng thực hiện trách nhiệm trong quản lý đất đai, phối hợp các ngành tổng hợp vướng mắc kiến nghị trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện với thành phố. Đặc biệt, phải chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm của đơn vị về giải quyết vướng mắc trong kiểm tra, xử lý vi phạm của dự án. Không chờ có kết luận thanh, kiểm tra mới có kiến nghị với thành phố; quận cần chủ động, tác động mạnh, kiểm soát hiệu quả hơn để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch cũng đề nghị HĐND quận cùng vào cuộc với các sở, ngành tăng cường giám sát tình hình thực hiện các dự án. Đối với Sở TN&MT, Phó Chủ tịch cho rằng cần "mạnh tay" hơn theo đúng luật, để kết luận thanh tra có hiệu lực, khắc phục được tồn tại của chủ đầu tư. Với 88 dự án chậm triển khai chưa được giao đất thuộc trách nhiệm theo dõi của Sở KH&ĐT nhưng chưa có phương án báo cáo thành phố xử lý tiếp.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường phát biểuChủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường phát biểu

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường tiếp thu các ý kiến đoàn giám sát và nhấn mạnh, UBND quận sẽ khẩn trương tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đơn vị và chỉ đạo các phòng, ngành trực thuộc liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án đúng quy định.

 VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.