Quan tâm hơn trong phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch
(PNTĐ) - Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị cần quan tâm hơn trong phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch. Các địa phương rà soát và xác định xây dựng ít nhất 1 sản phẩm du lịch và 1 sự kiện có liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý II năm 2024, triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.
Dự và chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng của năm 2024, các ban, ngành, đoàn thể thành phố và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được xác định tại Chương trình 06 gắn với thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy. Các đơn vị đã bám sát 3 nhiệm vụ trọng tâm và 18 chỉ tiêu của Chương trình 06.
Đến nay, đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng, trong đó chỉ tiêu “Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm”... đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu Thành phố đề ra.
Hiện, có 5 chỉ tiêu cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong năm 2024; 3 chỉ tiêu khó khăn cần có giải pháp để hoàn thành đến năm 2025 đó là nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia, tỉ lệ thôn, làng có nhà văn hóa, xây dựng các trường liên cấp ngang tầm các nước trong khu vực.
Các địa phương, đơn vị đã quan tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ. Chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng được quan tâm, tăng cường phối hợp giáo dục đại học gắn với cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng thế mạnh của các cơ sở đào tạo đại học trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành phố đặt chỉ tiêu, xây dựng thêm 130 trường chuẩn quốc gia, tổng số trường được công nhận là 167 trường, đạt 128% kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3% (1.805/2.809 trường), trong đó công lập chiếm 79,3%. Đến năm 2025, Thành phố đặt chỉ tiêu phấn đấu công nhận thêm 10 trường chất lượng cao, đến nay đã công nhận thêm mới được 5 trường chất lượng cao.
Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp kịp thời được phát hiện, biểu dương và tôn vinh.
Về phát triển công nghiệp văn hóa, theo ghi nhận chung, các địa phương, đơn vị tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực...
Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023, khách nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Đó là việc phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa sau đầu tư của các quận, huyện, thị xã được giám sát chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhận thức về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn chưa thực sự sâu sắc, toàn diện.
Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống các trường dạy nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm hoàn thành theo chương trình, kế hoạch. Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra ở nhiều nơi...
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, kết quả của Chương trình 06 đạt được từ đầu năm đến nay khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa được thể hiện rõ, mang lại hiệu quả và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này giúp Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ, nhất là du lịch nội địa.
Kết quả về giáo dục cũng có nhiều tín hiệu vui, chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên. Lĩnh vực dạy nghề của Hà Nội cũng được đánh giá là tốt so với cả nước.
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động đầu năm nay là Thành ủy Hà Nội đã ban hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị 30 về việc tăng cường sự lãnh đạo trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần làm cho công việc của Ban Chỉ đạo Chương trình 06 trở nên toàn diện hơn. Nhiều địa phương chuyển đổi tích cực, vận dụng khá tốt kỳ cuộc, tổ chức sự kiện tạo điểm nhấn cho các hoạt động của Thành phố.
Để Chương trình 06 thực hiện hiệu quả và tốt hơn nữa trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị rà soát lại các chỉ tiêu, nỗ lực, cố gắng phấn đấu thực hiện, đặc biệt là cần sớm khắc phục việc thiếu nhà văn hóa tại các thôn, làng.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu việc lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong phát triển văn hóa địa phương; rà soát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình 06 và các hoạt động liên quan đến cam kết với UNESCO về phát triển Thành phố sáng tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà.
Bên cạnh đó, các địa phương, sở, ngành cần cụ thể hóa việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức các hoạt động, sự kiện thiết thực ý nghĩa khơi dậy khát vọng phát triển của mỗi địa phương...