Về loạt bài “Cụm di tích đình, chùa xã La Phù, huyện Hoài Đức kêu cứu”:

Sai phạm do chính quyền không thực hiện quy định về quản lý di tích

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 3 ra ngày 19/1/2022 và số 6 ra ngày 9/2/2022 đăng loạt bài “Cụm di tích đình, chùa xã La Phù, huyện Hoài Đức kêu cứu vì bị xâm phạm”, phản ánh thực trạng nhiều năm qua đình, chùa xã La Phù bị xâm hại dù Cụm di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 1688/SVHTT-DTDT ngày 1/6/2022 gửi UBND huyện Hoài Đức, trong đó đưa ra quan điểm, sai phạm xảy ra tại Cụm di tích đình, chùa xã La Phù là do chính quyền chưa thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản của pháp luật liên quan và quy định của Thành phố về di sản văn hóa.

Liên quan đến sự việc, trước đó, UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức đã có hai văn bản báo cáo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội là văn bản số 115/BC-UBND ngày 12/11/2021 về việc “khó khăn, vướng mắc trong giải quyết công trình xây dựng của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí liên quan đến di tích chùa Trung Hưng” (chùa La Phù) và văn bản số 39/BC-UBND ngày 04/4/2022 của UBND xã La Phù về việc “báo cáo quá trình quản lý, sử dụng đất đai trong cụm di tích đình - chùa La Phù” kèm theo một số bản đồ liên quan. Trong hai văn bản, chính quyền xã đã đưa ra nhiều khó khăn, vướng mắc để giải thích cho sự tồn tại của Cụm di tích đình, chùa xã La Phù. 

Sai phạm do chính quyền không thực hiện quy định về quản lý di tích - ảnh 1
Bản đồ khoanh vùng bảo vệ đình, chùa xã La Phù được công bố công khai tại Cụm di tích nhưng thực tế cụm di tích vẫn đang bị xâm hại

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các văn bản trên, Sở Văn hóa và Thể thao nhận định:

1. Đình - chùa La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức đã xếp hạng Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 191-VH/QĐ ngày 22/3/1988 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hai di tích này hiện do UBND huyện Hoài Đức quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND Thành phố.

2. Căn cứ Biên bản và Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình- chùa La Phù (lập ngày 4/12/1986) hiện lưu tại Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì khu vực đang thi công nhà ở của gia đình ông Trịnh Đắc Trí cùng 5 hộ dân khác đều nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của di tích. Việc những công trình trong khu vực này đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là không tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và các quy định của Thành phố về di sản văn hóa.

3. Trong văn bản số 39/BC-UBND ngày 04/4/2022 của UBND xã La Phù mới chỉ có nội dung báo cáo quá trình sử dụng đất đai tại di tích, trong đó lý giải nguyên nhân là “do không còn lưu giữ được hồ sơ xếp hạng di tích đình - chùa La Phù (?), do không có ranh giới rõ ràng trên thực địa mà chỉ khoanh vùng trên sơ đồ mà chưa được cắm mốc giới bảo vệ…” nên mới dẫn đến tình trạng nêu trên là chưa đúng với quy định… UBND xã La Phù chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai thuộc khu vực bảo vệ di tích đã được xếp hạng theo tinh thần chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2352/UBND-KGVX ngày 11/6/2020; chưa đề xuất phương án tháo gỡ những vướng mắc khó khăn để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên. 

4. Sở Văn hóa và Thể thao nhận thấy từ thời điểm di tích đình - chùa La Phù được cấp thẩm quyền xếp hạng đến nay, UBND xã La Phù đã không thực hiện việc quản lý đất đai di tích đình - chùa La Phù theo nội dung Biên bản, Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích tại Hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đã được các cấp xác nhận, mà vẫn sử dụng bản đồ địa chính năm 1986 của xã để quản lý đất đai thuộc di tích đã được khoanh vùng bảo vệ là chưa thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản của Pháp luật liên quan và Thành phố về di sản văn hóa. 

Theo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, việc để xảy ra sai phạm trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nằm trong khu vực bảo vệ di tích thuộc trách nhiệm của UBND huyện Hoài Đức, mà trực tiếp là UBND xã La Phù đã thiếu kiểm tra, giám sát, không có sự tham chiếu với các quy định về quản lý di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Có thể thấy, việc xác định nguồn gốc sai phạm tại đình -chùa La Phù về cơ bản đã được xác định. Vậy cần làm gì để giải quyết vi phạm đất đai tại Cụm di tích này chính là câu hỏi đang được quan tâm. Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo sau.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn; gắn với kỷ niệm ngày thành lập MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...
Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

(PNTĐ) - Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2024 trên địa bàn thành phố.