Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là xu thế tất yếu

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đảng ủy Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Kết luận 127-KL/TƯ ban hành ngày 28/2 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu khi xây dựng đề án sáp nhập cấp tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích thì cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới… để làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.

Đối với cấp xã, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo… Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền cấp xã.

Vấn đề khác, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu đề án làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.

Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là xu thế tất yếu - ảnh 1
Thí điểm sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh được xem xét dựa trên quy mô dân số và diện tích tự nhiên

Theo Kết luận 127-KL/TƯ, chậm nhất là ngày 9/3, Đảng ủy Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Chậm nhất ngày 12/3, sau khi tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ hoàn thiện đề án, gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương.

Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3.

Dự kiến, sau khi tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan, đề án và tờ trình sẽ được hoàn thiện, trình Ban chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 7/4.

GS-TS Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) - bày tỏ rất ủng hộ chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là chủ trương phù hợp với tổ chức chính quyền các nước trên thế giới, bởi họ chú trọng xây dựng chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mạnh.

Còn chính quyền trung gian ở giữa do tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện chính quyền tỉnh nắm chính quyền ở khu vực, cơ sở đó. "Đây cũng là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại hiện nay; lúc này là thời điểm chín muồi để nghiên cứu thực hiện".

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ QH, tiêu chuẩn của tỉnh, thành gồm quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Đối với các tỉnh, quy mô dân số tối thiểu phải là 900.000 người trở lên (tỉnh miền núi, vùng cao); với các tỉnh không phải miền núi, vùng cao, phải từ 1,4 triệu người trở lên.

Về diện tích, tiêu chuẩn đối với tỉnh tối thiểu là từ 5.000 km2 trở lên; đối với các tỉnh miền núi, vùng cao tiêu chuẩn diện tích cao hơn, là 8.000 km2. Tiêu chuẩn về số đơn vị cấp huyện trực thuộc tối thiểu là 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 1 thành phố hoặc 1 thị xã …

Còn TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội, bày tỏ rất ủng hộ với chủ trương mà Đảng nêu ra. Nhưng trước vấn đề lớn này, các phương án đưa ra cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, không chỉ căn cứ về quy mô dân số, diện tích mà còn phải tính đến nhiều yếu tố về văn hóa, truyền thống lịch sử, tính liên kết vùng, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Theo ông Nghiêm, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu này, nhiệm vụ đặt ra, từ năm 2026, tăng trưởng kinh tế phải đạt mức hai con số. Do vậy, khi nghiên cứu việc sáp nhập các tỉnh phải tính đến yếu tố này.

Từ Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch 6 vùng kinh tế, có thể xem xét nghiên cứu phương án sáp nhập các tỉnh lại cho phù hợp. "Những tỉnh nằm trong vùng kinh tế có nhiều mối liên kết, tương đồng với nhau về kinh tế, văn hóa, địa lý, truyền thống lịch sử, nếu sáp nhập thì cũng phù hợp" - ông Nghiêm nói thêm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý: "Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, cho nên khi triển khai việc sắp xếp bộ máy cần làm đồng bộ để tránh ảnh hưởng tới đại hội đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bình diện cả nước nói chung.

Năm nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, chuẩn bị cho những năm tiếp theo với mục tiêu phát triển đạt hai con số. Những yêu cầu, thách thức đó đòi hỏi việc sắp xếp tổ chức, bộ máy vẫn phải hoạt động bình thường, sau sắp xếp phải đảm bảo chất lượng, hiệu lực hiệu quả hơn.

Vừa phải làm thật khẩn trương, nhanh gọn quyết liệt, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về bộ máy mới hoạt động hiệu lực hiệu quả ngay, không bị lỗi, không có khúc mắc".

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

(PNTĐ) - Sáng ngày 22/3/2025, tại Hội trường Bộ Công an (30 Trần Bình Trọng, Hà Nội), Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ I (2025–2030). Đại hội vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo.
Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam  tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

(PNTĐ) -  Ngày 21/3/2025, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I/2025 nhằm đánh giá, nắm tình hình hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I, định hướng nhiệm vụ quý II/2025. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường trụ sở cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và trực tuyến tại các điểm cầu Hội LHPN các tỉnh/thành trên cả nước.