Sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện
(PNTĐ) - Ngày 20/11, thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phản ánh ý kiến cử tri rằng bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện, bỏ danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán…
Bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện rất phiền toái
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi. Giấy chuyển viện trở thành barie (hàng rào) với bệnh nhân trong khi công nghệ thông tin phát triển, liên thông kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã trở nên dễ dàng.

"Kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế"- đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị khi sửa Luật Bảo hiểm y tế sắp tới, các cơ quan cần hướng đến mục tiêu người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một cơ sở tuyến xã, huyện nhất định. Trường hợp cần chuyển viện điều trị thì phải có giấy chuyển tuyến (chuyển viện), bệnh nhân mới được thanh toán toàn phần bảo hiểm y tế. Nếu không có giấy chuyển viện, họ phải tự chi trả một phần viện phí.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc chuyển tuyến vốn có hai ý nghĩa là để quản lý quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh không vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều với bệnh thông thường. Nhưng chính sách lại đẩy khó cho người dân. Họ không có trách nhiệm phải bảo vệ quỹ Bảo hiểm y tế và giải quyết chính sách.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Công Hoàng đề xuất giải pháp công khai danh mục kỹ thuật các bệnh viện tuyến huyện thực hiện được, để những kỹ thuật nằm ngoài khả năng điều trị thì bệnh nhân đương nhiên được lên tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện. Trường hợp những kỹ thuật bệnh viện huyện làm được nhưng vẫn chuyển lên tuyến trên thì mới cần giấy chuyển viện.
Giải trình, trả lời ý kiến trên, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải vào một tuyến. Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009 quy định có bốn cấp chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống bệnh viện, Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 còn ba cấp bệnh viện. Việc phân cấp này nhằm xác định mức khám chữa bệnh căn cứ điều kiện, khả năng đáp ứng, tình trạng người bệnh.
Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên, đến năm 2016 các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (người có thẻ Bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến). Như vậy, vấn đề tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến cơ bản được giải quyết.
Theo Bộ trưởng, vấn đề còn lại là người dân có được chuyển thẳng từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, lên trung ương hay không? Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục. Giấy chuyển viện rất cần thiết vì dù là giấy hay điện tử cũng phải ghi rõ lịch sử khám chữa bệnh, tình trạng bệnh.
Đề nghị bỏ danh sách thuốc được bảo hiểm thanh toán
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị bỏ danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán. Đại biểu cho rằng, điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do bác sĩ căn cứ vào mức độ bệnh và trình độ, kinh nghiệm của họ cũng như cập nhật tiến bộ y học thế giới nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Việt Nam cần hướng đến mục tiêu là các thuốc bảo hiểm y tế phải do bác sĩ, ngành y quyết định. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào đúng và hiệu quả thì bảo hiểm y tế phải thanh toán như vậy. Đại biểu cũng đề xuất bổ sung các bệnh lý nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa vào danh mục phân loại bệnh tật quốc tế để bảo hiểm y tế thanh toán thuốc.

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết danh mục thuốc bảo hiểm y tế thường xuyên cập nhật. Năm 2024, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư cập nhật danh mục này, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng điều trị cho người dân và quản lý quỹ Bảo hiểm y tế. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có danh mục thuốc bảo hiểm y tế cung ứng cho người bệnh tốt nhất.
Chế độ đãi ngộ với cán bộ dân số
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phản ánh, cán bộ dân số nói chung, đặc biệt là cán bộ dân số cơ sở đã có rất nhiều thiệt thòi, nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19. Bộ Y tế đã có công văn số 5492 về việc chuyển ngạch và phân công lại nhiệm vụ cán bộ dân số. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc các Sở Y tế thực hiện nghiêm túc công văn này.
Giải trình với đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đã có Nghị định số 05 năm 2023 về việc triển khai chế độ trợ cấp, ưu đãi đối với cán bộ y tế dự phòng. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác dân số không nằm trong diện triển khai của Nghị định này.
Đối với kiến nghị của cử tri, Bộ đã trực tiếp cử các đoàn xuống công tác tại các địa phương để nắm bắt tình hình, có văn bản gửi UBND các tỉnh về việc rà soát thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ dân số, bởi nhiệm vụ chính của họ là làm chính sách dân số.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện chế độ chính sách của địa phương có hiện tượng nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm công tác khác, nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định. Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh rà soát đảm bảo đúng vị trí việc làm, đúng chức danh, trong trường hợp phải làm các nhiệm vụ y tế khác thì phải đảm bảo phụ cấp cho đội ngũ này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị sắp tới sẽ triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số, tạo mức phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc.
Nhiều khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn COVID-19 chưa trả được
Phản ánh ý kiến của cử tri kiến nghị Bộ Y tế đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận) cho biết, có thực trạng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Vì vậy, các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục mua sắm để trả cho nhà cung cấp.
Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn về thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc mua, mượn nợ trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất phục vụ chống dịch COVID-19. Theo đại biểu, số tiền nợ của tỉnh Bình Thuận đến nay là trên 91 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Nghị quyết số 99 của Quốc hội giao trách nhiệm cho Chính phủ và Bộ Y tế nghiên cứu giải pháp nhưng theo phản ánh của các địa phương, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về vấn đề bất cập này. Các cơ sở y tế địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong trả nợ. Chủ nợ thì mòn mỏi chờ mà con nợ mòn mỏi đợi hướng dẫn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng giải quyết vấn đề trên.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định) tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông về khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 chưa trả được. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn nhưng chỉ như vậy là chưa đủ. Bởi, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng như vậy, mọi việc sẽ đứng yên một chỗ.
Lấy ví dụ của Bệnh viện Đại học Y, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, có nhiều khoản nợ quá thời hạn, quá năm tài khóa, thậm chí phải đưa ra tòa xử và bệnh viện bị xử thua nên phải trả tiền kèm lãi suất ngân hàng.
Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể, hay sử dụng chống dịch. Các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành Y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành Y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Đúng là có thực trạng các cơ sở y tế phải tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu xét nghiệm chữa bệnh. Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng trước 31/12/2024 giải quyết vấn đề vay mượn.
Bộ Y tế đã phối hợp với UBND các tỉnh, đề nghị báo cáo tình hình vay mượn của các cơ sở y tế. Bộ Y tế đã thống kê của 48 địa phương và 7 Bộ ngành, cơ sở y tế thuộc Bộ. Con số báo cáo là 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn về thuốc là 754 tỷ đồng, kit xét nghiệm 939 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ lọc hình thức vay mượn và giao các đơn vị của Bộ để xây dựng phương án.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, do chưa có quy định luật pháp nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ chế xử lý khó khăn, giải quyết lâu dài. Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đã có quy định vay mượn, ứng trước đối với trang thiết bị vật tư y tế và sắp tới sẽ triển khai hướng dẫn.