Sơn Tây cần có sáng kiến mới huy động, sử dụng nguồn lực phát triển văn hóa
(PNTĐ) - Thị xã Sơn Tây đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch: Trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh, ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, đêm Làng cổ… góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa Sơn Tây và văn hóa xứ Đoài.
Quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người, phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Sáng 22/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình dẫn đầu Đoàn kiểm tra số 2 của Thành ủy kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2024 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” của Đảng bộ thị xã Sơn Tây.
Báo cáo với Đoàn công tác của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết: Triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Thị ủy đã ban hành nhiều văn bản, lãnh đạo chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 06-CTr/TU; Ban Thường vụ Thị uỷ ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 1/6/2021 về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”. Thị xã cũng tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Thị xã có hai điểm du lịch đã được UBND thành phố công nhận là: Điểm du lịch Làng cổ xã Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ xã Kim Sơn.
Thời gian qua, thị xã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc, tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài hằng năm, tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Chương trình Tết Làng Việt, Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Trung thu Thành cổ, lễ hội khinh khí cầu, giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng, Hội sách và văn hóa đọc; đăng cai tổ chức Liên hoan các ban nhạc toàn quốc, cuộc thi Hoa hậu Áo dài di sản Việt Nam, chương trình Hanoi Concert - Đoài Melody...
Thị xã đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch: Trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh, ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, đêm Làng cổ…
Cùng đó, thị xã tập trung biên soạn, phát hành nhiều ấn phẩm văn hóa có hàm lượng giá trị khoa học cao, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Sơn Tây và văn hóa xứ Đoài, điển hình như 2 cuốn sách và 1 bộ phim tư liệu ra mắt nhân dịp Kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã, 555 năm danh xưng Sơn Tây. Từ năm 2021 đến nay, thị xã đã đón 2,76 triệu lượt khách du lịch đến địa bàn.
Theo ông Nguyễn Quang Hán, thực hiện Chương trình 06-CTr/TU gắn với Chương trình số 11-CTr/TU của Thành ủy, thị xã đạt 17/17 chỉ tiêu. Từ năm 2021-2023, thị xã có 95,8% gia đình văn hóa; 97,5% số tổ dân phố và 93,5% số thôn đạt văn hóa; 125 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt văn hóa, trong đó 32 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt cấp thành phố; 118/118 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước, đạt 100%. Năm 2024, thị xã có 118/118 thôn, tổ dân phố, đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa; 36.706/37.303 hộ đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa.
Thị xã đã chú trọng xây dựng văn hoá từ trong Đảng, trong cơ quan, doanh nghiệp, thị xã đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực tuyên truyền thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của UBND thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp...
Đến nay, trên địa bàn thị xã có 244 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê của thành phố năm 2016, trong đó có 80 di tích được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia, thành phố, 65 lễ hội truyền thống, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 99 đạo sắc phong đã được UBND thành phố công nhận là thư tịch quý…
Công tác xếp hạng di tích được chú trọng, từ năm 2022 đến nay, thị xã có 5 di tích cấp thành phố và 3 di tích được nâng cấp xếp hạng cấp Quốc gia (đền Măng Sơn, đình Sơn Trung, đình Sơn Đông), 3 nghệ nhân được công nhận Nghệ nhân ưu tú. Thị xã cũng đã kiểm tra, khảo sát, đề xuất tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp giai đoạn 2024-2025 và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng 3 di tích, lập hồ sơ trình UBND thành phố, các Sở, ngành thẩm định Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”.
Về tăng cường hội nhập trên lĩnh vực văn hóa, thị xã đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa như: Chương trình “Tết làng Việt” với nhiều hoạt động phong phú tại làng cổ Đường Lâm...
Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2024, tổ chức tại Lào, sản phẩm “Du lịch nông thôn bền vững - Trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại Làng cổ Đường Lâm“ đã được vinh danh và nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN...
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho thị xã
Tại Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, thị xã phát triển hình thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); khu trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Đường Lâm (di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).
UBND thị xã Sơn Tây xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm đồng bộ, HĐND thị xã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 22/12/2021, trong đó tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí cho đầu tư cho phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025 hơn 836,9 tỷ đồng. Thị xã cũng huy động nguồn lực xã hội hoá cho phát triển văn hóa 37,2 tỷ đồng; xã hội hóa các sự kiện hơn 10 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố: Liên đoàn Lao động, Kế hoạch Đầu tư, Du lịch, Lao động Thương binh & Xã hội, Văn phòng Thành ủy, Nội vụ, Văn hóa, Ban Văn hóa xã hội - HĐND thành phố… nêu ý kiến, đề nghị thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư cho thị xã, trong đó tập trung quan tâm đầu tư cho Đường Lâm hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”;
Đồng thời, đề nghị thị xã quan tâm các vấn đề: Nâng cao trách nhiệm của người dân trong vấn đề thụ hưởng, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa; đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục, tăng số trường đạt chuẩn Quốc gia; việc thu phí các di tích văn hóa, thắng cảnh còn thấp; cần khai thác du lịch tại hồ Đồng Mô kết nối Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam; tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh thị xã Sơn Tây.
Tiếp tục xây dựng hoạt động thường niên, định kỳ nhằm thu hút, quảng bá văn hóa, du lịch trên địa bàn thị xã; quan tâm công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động; minh chứng thêm về kết quả đạt được về hoạt động thể dục thể thao cộng đồng; thị xã cần nâng cao chất lượng khai thác hoạt động tại các nhà văn hóa thôn; tăng cường hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát triển du lịch; cần rà soát chỉ tiêu thiết chế văn hóa cấp xã, phường…
Đánh giá cao việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của thị xã Sơn Tây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh “thị xã đã chọn đúng hướng đi, “đánh thức tiềm năng” phát triển văn hóa - du lịch trên địa bàn” đồng thời đề nghị thời gian tới, thị xã tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Đặc biệt là có cách làm mới, sáng kiến mới trong huy động, sử dụng nguồn lực phát triển văn hóa; có phương pháp quản lý, khai thác, phát huy các thiết chế văn hóa đã được đầu tư; tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật gắn với giáo dục chính trị, nhằm lan tỏa và giáo dục ý thức bảo vệ, phát huy giá trị.
Còn đối với các kiến nghị của thị xã, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết sẽ đề nghị thành phố quan tâm, sớm phê duyệt đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035”; đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành chức năng trong việc phối hợp với thị xã nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình số 06-CTr/TU.