Sống hết mình với nghề “cầm bút”

Ngọc Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong dòng chảy của báo chí thế giới, những nhà báo Việt Nam còn có niềm vui riêng khi có thêm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Dịp này, hãy cùng gặp gỡ một số nữ nhà báo trẻ, yêu nghề, năng động để lắng nghe chuyện nghề, chuyện đời của họ...

Sẵn sàng học việc không lương

Vừa ra trường, Trần Lan Hương về đầu quân tại kênh Truyền hình Nhân Dân, báo Nhân Dân. Khi đó, dù đã xác định sẽ phải rất nỗ lực bởi đây là cơ quan báo chí lớn nhưng Lan Hương vẫn bị “choáng ngợp” bởi sự dạn dày kinh nghiệm và giỏi nghề của các anh chị đồng nghiệp. Vì thế, suốt 1,5 năm đầu tiên, cô xác định mình chỉ học việc, đi theo các anh chị đồng nghiệp để học hỏi cách làm việc, trau dồi hơn nữa các kỹ năng cần có của người làm truyền hình. “Quãng thời gian được va vấp ấy đã giúp mình tích lũy được nhiều điều. Mình có thêm được các mối quan hệ, nguồn tin, bắt đầu tự định hướng bản thân sẽ làm chuyên sâu về lĩnh vực gì”.

Ngoài ra, vì gia đình có truyền thống công tác trong lực lượng an ninh, chồng cũng là một chiến sĩ công an nên Lan Hương đã không ngần ngại lựa chọn một mảng “khó: Theo dõi ngành công an.

“Những ngày đầu vào ngành, mình nhớ, gặp rất nhiều khó khăn vì mình còn mới nên chưa sâu sắc, sát sao với ngành được khiến cho việc nắm thông tin của các đơn vị còn chậm. Dần dần, quen việc, lại được các anh chị đồng nghiệp chỉ bảo tận tình nên mình đã dần vững hơn trong nghề”, Hương chia sẻ.

Cô phóng viên trẻ cũng “bật mí” cách để tạo được sự tin tưởng của cơ quan, đơn vị, để họ tìm đến mình mỗi khi muốn đưa tin. “Mình nghĩ việc đầu tiên là người phóng viên phải có tinh thần cầu thị, nhiệt tình, không được tự cao. Khi chưa được cung cấp thông tin thì phải chủ động đi hỏi, hỏi ở chính đơn vị mình muốn tác nghiệp hoặc xin qua các báo bạn.

Thậm chí, đi dự sự kiện, ban đầu mình đi với tư cách không được mời. Nhưng đi về, mình cứ viết bài, gửi cho ban tổ chức. Dần dần, họ cảm nhận được sự chân thành của mình và gắn bó, tin tưởng để mình theo dõi, đưa tin cho họ”, Lan Hương nói.

Sống hết mình với nghề “cầm bút” - ảnh 1
Phóng viên Lan Hương đang tác nghiệp.

Vừa làm việc, vừa lấy chồng sinh con, như nhiều đồng nghiệp nữ làm báo khác, Hương chấp nhận “hẫng” đi một nhịp để dung hòa giữa công việc và gia đình. “Nhưng chậm lại một nhịp không có nghĩa là mình vơi đi cố gắng. Mình rất nhớ những ngày vừa mang bầu vừa đi sản xuất tin bài”. Lĩnh vực Hương theo dõi rất rộng, vậy mà ngay cả lúc đang mang bầu, Lan Hương vẫn cầm mic “lăn xả” vào các vấn đề nóng như: Phòng chống đua xe, kiểm tra nồng độ cồn, ngày đêm cấp căn cước công dân… “Đi làm tin về đua xe thì phóng viên phải ngồi trên xe của công an để đi theo, lúc ấy bầu bí mình cũng khá lo và hồi hộp. Rồi lúc phỏng vấn các đối tượng vượt nồng độ cồn cho phép, mình phải che kín người, không đứng quá gần để đề phòng khả năng họ mất kiểm soát hành vi”, Hương nhớ lại.

Và nỗ lực làm báo trong thời 4.0

Phạm Huyền (phóng viên Báo điện tử Dân Việt) cho biết, trong thời điểm có rất nhiều loại hình báo chí đang giao thoa như hiện nay, thậm chí mạng xã hội cũng trở thành những nguồn tin rất quý giá, thì người làm báo cũng không thể “ngó lơ” các kênh thông tin này được. “Công việc chính của mình là nắm bắt thông tin thật nhanh qua các mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo... , xem cộng đồng mạng đang quan tâm nhất sự việc gì, rồi sau đó đi xác minh tính xác thực của các vụ việc.

Để làm được công việc này, yếu tố đầu tiên là phải nhanh. Mình thấy, mạng xã hội ngoài những tiện ích là kết nối, truyền tải thông tin cá nhân đến khắp cộng đồng mạng thì cũng là nơi chứa đựng nguồn tin mà ở đó các phóng viên trẻ có thể nhạy bén quan sát và nhận ra để tìm kiếm thông tin cho bài viết của mình.

Mạng xã hội cũng đã góp phần tạo môi trường trao đổi, giao lưu nghiệp vụ cho các nhà báo trẻ thông qua các nhóm, diễn đàn liên quan đến báo chí, thực sự là một môi trường thuận lợi để các phóng viên trẻ có thể học hỏi, trau dồi kinh nghiệm bản thân.

“Hơn cả, mình hiểu mình đang là một người làm báo, mà một trong 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hành nghề trung thực, khách quan. Chính vì vậy, dù tận dụng mạng xã hội, nhà báo cần phải kiểm chứng thông tin và quan tâm, chú ý đến những luồng ý kiến xung quanh một vấn đề nào đó để làm sáng tỏ sự việc, hiện tượng nhất định. Thông tin trên mạng xã hội là khổng lồ nhưng không phải thông tin nào cũng có thể sử dụng để làm dẫn chứng khách quan cho mỗi bài viết, mỗi một nhà báo luôn phải tỏ ra thận trọng và khách quan trong việc xác minh rõ nguồn gốc của sự việc, hiện tượng”, Huyền cho biết.

Cô cũng chia sẻ thêm, để tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội trong việc lan toả thông tin nhanh nhất, các toà soạn cũng dần chuyển dịch để đẩy kênh Reels facebook, lập kênh tiktok để có lượng view tự nhiên và lan toả được thương hiệu báo đến độc giả. Đồng thời cần biết tận dụng AI vào công việc để tìm thêm ý tưởng, có thêm nội dung chuyên sâu…

Sống hết mình với nghề “cầm bút” - ảnh 2
PV Thủy Tiên đã có mặt ở nhiều nơi hẻo lánh để đưa tin về giáo dục vùng cao.

Chưa đầy 30 tuổi, nhưng Vũ Thị Thủy Tiên (phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam) đã có nhiều năm bước trên nhiều con đường “đặc biệt”. Đó là những con đường ngặt nghèo, dẫn vào những điểm trường khó khăn ở vùng cao. Thủy Tiên đến đó, để viết về những thầy cô vẫn miệt mài cắm bản, động viên các em học sinh không bỏ học, cố kiếm con chữ thành người, để cho mình “chậm lại một chút” và nghĩ về rất rất nhiều điều tử tế đang hiện diện trên cuộc đời này.

“Để đến được với những thầy cô giáo “cắm bản” ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất, đồng nghĩa với việc phải băng qua những đoạn đường đầy thử thách đối với tay lái của một đứa con gái như mình. Nhất là vào những ngày mưa mù, trơn trượt, đường đất sạt lở tứ phía, phải nhờ các thầy hỗ trợ, nhưng chỉ cách 5m mà vẫn không nhìn rõ mặt nhau, không biết đâu là vực, đâu là đường, thì ngồi trên xe cũng chỉ muốn thót tim ở những đoạn ổ gà, ổ voi. Có lúc, đường trơn, bùn đất bám đặc sệt hai bánh xe, đoàn phải cùng nhau người dắt, người đẩy, dong xe suốt một chặng dài. Đến với các thầy cô, nghe mỗi câu chuyện, tôi lại có những hình dung khác nhau về sứ mệnh với nghề giáo, nhưng tựu trung lại ở sự nhiệt tình, tâm huyết”, Thủy Tiên nói.

Cô có thể dành cả buổi để nghe các thầy cô ôn lại kỷ niệm những ngày đầu “khai hoang” ở mảnh đất mới, một tay dựng lớp, dựng trường; những đấu tranh trong tâm tưởng giữa cuộc sống đủ đầy và sứ mệnh người thầy; những sự thay đổi từ lạ lẫm đến “ghiền” một món ăn đặc trưng vùng cao như mèn mén... Có những thầy cô cặm cụi nấu nướng cho học trò sau mỗi giờ học, có thầy cô tự bỏ tiền túi ra giúp học sinh được ăn bữa trưa “có thịt” đầy cảm động...

Thủy Tiên đã “gom” tất cả những bài viết, kỷ niệm về những chuyến đi của mình, cất ở một trang facebook tên là “Ký sự: Hôm nay tôi đến”. Cô phóng viên trẻ còn viết về những cô giáo mượn tạm nhà hoang, chuồng trâu để dạy học hay cầm điện thoại để “vợt” sóng ở vùng biên Tây Bắc, hay những người nâng bước đến trường cho trẻ em mồ côi… “Chính những hình ảnh đẹp ấy đã khích lệ mình ngày càng yêu lĩnh vực này, và muốn thực hiện nhiều hơn những tác phẩm báo chí về đề tài này”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội phải đi đầu trong thực hiện đột phá, đổi mới sáng tạo

Hà Nội phải đi đầu trong thực hiện đột phá, đổi mới sáng tạo

(PNTĐ) - Từ nay đến khi diễn ra Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố chỉ còn một năm, thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tập trung lãnh đạo để tăng tốc, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Thành phố lần thứ XVII đã đề ra.
Hội LHPN Hà Nội thăm và làm việc với Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn

Hội LHPN Hà Nội thăm và làm việc với Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn

(PNTĐ) -  Sáng 21/10/2024, nhận lời mời của đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn, thực hiện biên bản  thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn, đồng chí Lê Kim Anh - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đoàn đại biểu Hội LHPN Hà Nội bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.
Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa tại BRICS+

Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa tại BRICS+

(PNTĐ) - Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng (BRICS+) từ ngày 23-24/10, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác này.