Tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố Hà Nội

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố đã có một số chuyển biến tích cực, đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

 Một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.191/1.885 TTHC thực hiện trên địa bàn Thành phố, bao gồm 318 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 872 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong đó, đã tích hợp 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 727 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến như sau: Nhiều dịch vụ công trực tuyến mặc dù có đối tượng thực hiện, tần suất lớn, tuy nhiên, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp hoặc cán bộ, công chức vẫn phải hỗ trợ, làm thay người dân; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trên địa bàn Thành phố còn hạn chế; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng mục tiêu của Chính phủ; Việc phê duyệt phương án tái cấu trúc TTHC chưa đạt được kết quả cao. Hiện nay, các Sở đã trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt phương án tái cấu trúc của 627/1.185 TTHC, đạt 53% để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện còn 539 TTHC còn lại chưa được tái cấu trúc quy trình. Đối với 627 TTHC được phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình TTHC vẫn chưa đảm bảo theo quy định và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, chưa cắt giảm, đơn giản hóa quy trình để giảm khâu thực hiện, kế thừa lại dữ liệu, kết quả TTHC, chưa xây dựng sơ đồ tổng thể, đánh giá hiệu quả tái cấu trúc quy trình TTHC. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống của các Bộ, ngành chuyên quản chưa được đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình đồng bộ dữ liệu, phát sinh vấn đề chênh lệch số liệu khi đồng bộ hồ sơ giải quyết TTHC của Thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia. Chất lượng dịch vụ công chưa đạt được như kỳ vọng, chưa thân thiện, thuận tiện cho công dân, tổ chức khi thực hiện TTHC: khó khăn trong việc khai báo, thực hiện TTHC, điền mẫu đơn tờ khai. Chưa tối ưu cho cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC, khó khăn trong xử lý, thao tác nghiệp vụ trên Hệ thống. Việc liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu còn rất thấp.

Điều đó cho thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa, tái cấu trúc TTHC chưa thực chất khi thực hiện trên môi trường điện tử. Xác định nguyên nhân của những vấn đề trên, cụ thể: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức về tầm quan trọng của việc tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giám sát việc xử lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Việc phối hợp giữa các các cơ quan, đơn vị của Thành phố và với các Bộ, ngành chuyên quản còn hạn chế, thiếu tính chủ động, chưa chặt chẽ để xây dựng phương tái cấu trúc quy trình TTHC; Chưa có sự kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các Hệ thống chuyên ngành trong quá trình thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến. Việc chia sẻ dữ liệu chưa đầy đủ các trường thông tin, đồng bộ, khó khăn cho địa phương trong việc nghiên cứu phương án tái cấu trúc quy trình TTHC; Các quy định của pháp luật chuyên ngành chưa được sửa đổi, bổ sung các quy định về thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện để triển khai sau khi có phương án tái cấu trúc quy trình TTHC; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC sau khi đi vào vận hành còn hoạt động chưa ổn định, chậm hoàn thiện, bổ sung các tính năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, giao diện các dịch vụ công còn chưa thân thiện, thuận tiện cho người sử dụng;  Việc phối kết hợp giữa các bộ phận khi chuyển hóa từ quy trình nội bộ sang quy trình điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa chặt chẽ, chưa khoa học và tối ưu hóa các quy trình xử lý; Việc kiểm thử các dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa thực chất, chưa triển khai nghiêm túc để đánh giá hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến khi triển khai thực tế; Chưa xác định được lộ trình cụ thể, triển khai dàn trải các dịch vụ công trực tuyến, chưa có sự tập trung, ưu tiên tái cấu trúc quy trình đối với các TTHC thiết yếu có lượng hồ sơ phát sinh lớn, hoặc tần suất thực hiện của người dân, doanh nghiệp thường xuyên, liên tục; TTHC có nhiều phản ánh, kiến nghị, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; TTHC cần tái cấu trúc phục vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao chất lượng cung cấp của các TTHC đó. Chưa phát huy được tinh thần đổi mới, chuyển đổi số gắn với thực hiện TTHC.

 Tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố Hà Nội - ảnh 1
Nâng cao tính minh bạch trong giải quyết TTHC và chất lượng, hiệu quả phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận, thực hiện TTHC.

Từ những nhận định trên, để nâng cao hiệu quả trong việc tái cấu trúc quy trình TTHC phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về Chuyển đổi số của Thành phố; hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2024-2025.

Phương châm “Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”

Đẩy mạnh tái cấu trúc TTHC nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm “Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến giai đoạn năm 2024-2025.

Nâng cao tính minh bạch trong giải quyết TTHC và chất lượng, hiệu quả phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận, thực hiện TTHC. Xác định cụ thể lộ trình, nội dung, tiến độ thời gian, cơ quan thực hiện và cách thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan tái cấu trúc quy trình TTHC, phối hợp hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố Hà Nội.

Tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức việc tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thực chất, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

Việc tái cấu trúc TTHC, hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố đảm bảo tính thực tiễn và đúng quy định của pháp luật. Các dịch vụ công trực tuyến sau tái cấu trúc phải hợp lý, khoa học, đơn giản, quy trình giải quyết bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các văn bản quy định danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình của các Bộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch.

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại Kế hoạch đề ra. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch và nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, 2025; nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; trong đó, xác định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về tái cấu trúc TTHC, cung cấp dịch vụ công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cơ quan, đơn vị hàng tháng, hàng năm.

Mục tiêu tập trung tái cấu trúc 100% các TTHC thiết yếu được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố và tích hợp, cung cấp các dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Mục tiêu của việc tái cấu trúc nhằm: Giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp của tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC; Giảm hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp của tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC; Giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, cụ thể:

Không phải khai báo, không nộp lại thông tin, giấy tờ nếu đã có trên Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố; các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố.

Số hóa hồ sơ và cấp kết quả điện tử đối với 100% hồ sơ TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết TTHC cũ còn hiệu lực để đến năm 2025 đạt mục tiêu 100%.

 Hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố đáp ứng yêu cầu theo quy định, nhất là: Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 5/4/2023 của Văn phòng Chính phủ và Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Xây dựng và phát triển Kho dữ liệu dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân để lưu giữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân đó khi thực hiện dịch vụ công; cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ đã được số hoá của mình lên Kho dữ liệu điện tử.

 Nghiên cứu các giải pháp nhằm khai thác khả năng kết nối, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu số hóa để tái sử dụng phục vụ công việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động và các tính năng khác để thuận tiện cho công dân, tổ chức khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tính năng tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, gắn mã QR cho kết quả TTHC…).

Các nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch

Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hoàn thiện Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Rà soát việc kết nối với các hệ thống và xác định lộ trình xử lý.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm hỗ trợ việc giải quyết TTHC, trích xuất dữ liệu kết quả giải quyết TTHC là văn bản điện tử.

 Kết nối, chia sẻ dữ liệu khoản thu với Hệ thống thông tin của Kho bạc Nhà nước, Thuế để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố và Hệ thống quản lý tài liệu điện tử để nộp lưu hồ sơ TTHC điện tử và chia sẻ dữ liệu hồ sơ TTHC điện tử phục vụ giải quyết công việc của địa phương (Thông tư số 13/2023/TT-BNV).

Kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý doanh nghiệp để phục vụ giải quyết TTHC, dịch vụ công.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tập trung của các Bộ, ngành chuyên quản (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…).

Hoàn thiện hệ thống cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã được tái cấu trúc, phân quyền thực hiện theo đúng quy định.

Triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động và các tính năng khác để thuận tiện cho công dân, tổ chức khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến… 

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sắp có chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sắp có chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ,Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nhóm ngành công nghệ cao có sự chuẩn bị nhân sự như thế nào và các sinh viên học ngành này được ưu đãi những gì?
Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế

Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời liên quan đến Nghị định 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử có hiệu lực từ tháng 7/2025, chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế từ hàng triệu cá nhân bán hàng nhỏ lẻ sang các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử và các nền tảng số có chức năng thanh toán.
Hiệu quả trong những ngày đầu cả nước vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Hiệu quả trong những ngày đầu cả nước vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

(PNTĐ) - Chiều 3/7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà trả lời báo chí về hiệu quả trong những ngày đầu cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (1/7/2025) và triển khai giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.