Tăng cường giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng
(PNTĐ) - Ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Đưa Việt Nam tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường Vũ Minh Lý cho biết: Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam - một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, phấn đầu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Tại kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tháng 6/2018, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”.
Tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế khác, Việt Nam đã tích cực tham gia và đề xuất nhiều sáng kiến có liên quan. Đặc biệt, ngày 9/6/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng đã diễn ra khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.
Ông Vũ Minh Lý cho rằng: "Học sinh là lứa tuổi đang lớn, nhận thức và ý thức của các em sẽ hình thành dần qua quá trình học tập, cả trên lớp và qua những trải nghiệm thực tế. Lagom Green Recycle Machine là chương trình giáo dục trải nghiệm tái chế đặc biệt, với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người, trong đó tập trung đến nhóm khách hàng là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, khu chung cư và các khu công nghiệp trên cả nước".
Xuyên suốt chuỗi hoạt động của chương trình này, học sinh và người dân sẽ được tìm hiểu về rác và quy trình tái chế rác thải nhựa. Một vòng tròn khép kín từ khâu phân loại, thu gom và tái chế.
“Qua chương trình này, chúng tôi xác định tập trung vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 nhằm khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa, hướng tới các hành động vì một môi trường bền vững” - ông Lý nhấn mạnh.
Hoạt động tái chế sẽ được thiết kế trải nghiệm ngay tại chỗ với dàn máy tái chế tạo thành một sản phẩm chậu nhựa, bồn hoa, hộp bút… tái chế thông minh và nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo khác.
Đối tác chiến lược của Trung tâm Truyền thông, Bộ TN&MT trong chương trình này là Công ty CP Lagom Việt Nam. Đây là doanh nghiệp tác động xã hội hoạt động chính trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục, tư vấn chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý, xử lý, thu gom và tái chế rác thải.
Lagom Việt Nam đã triển khai rất nhiều chương trình và dự án liên quan đến các hoạt động nâng cao nhận thức, thu hồi và tái chế rác thải nhựa như: Chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại hơn 2000 trường học ở các tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Nghệ An, dự án CantoCan - tái chế vô hạn lon nhôm, thực hiện tại TP.HCM; Chương trình trải nghiệm tái chế Lagom Recycling Machine, dự án CSR Recycle to Give Back…
Xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa
Ông Vũ Minh Lý bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều trường học, cộng đồng khu dân cư cùng tham gia chương trình ý nghĩa này với chúng tôi, để chúng ta cùng chung tay hành động, vì một tương sáng hơn cho môi trường Việt Nam Xanh Sạch Đẹp.
Chúng tôi cũng mong muốn, sẽ có nhiều tổ chức, trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ, tài trợ kinh phí cho hoạt động trải nghiệm này, để hàng triệu học sinh trên cả nước được tham gia trực tiếp vào hoạt động giáo dục ngoại khóa hết sức ý nghĩa này. Chúng tôi cũng mong muốn Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội TNTP Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu phối hợp với Bộ TN&MT để triển khai chương trình giáo dục ngoại khóa này cả trong và ngoài trường học”.
Thỏa thuận hợp tác là cam kết lâu dài giữa Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng, tái thiết cuộc sống xanh; các chương trình giáo dục (giáo dục ngoại khóa, đào tạo, tập huấn...); chương trình trải nghiệm; các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các dự án, hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đặc biệt chương trình hợp tác tập trung trọng điểm vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 nhằm khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa, hướng tới các hành động vì một môi trường bền vững.
Chương trình giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng được thiết kế với các nhóm hoạt động: Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua các tiết học xanh hoặc hoạt động ngoại khóa; Học sinh được hướng dẫn và thực hành phân loại rác tại trường học; Trải nghiệm trực tiếp quy trình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm; Tham gia các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường.