Tăng cường hỗ trợ người khuyết tật trong và sau đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Ngày 3/11, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật, Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật.

Năm 1982, cùng với việc khởi động Thập kỷ về người khuyết tật 1983-1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 03/12 hàng năm là Ngày quốc tế người khuyết tật nhằm cổ vũ, thúc đẩy, kêu gọi thế giới hướng vễ những người thiệt thòi, khó khăn do tình trạng khuyết tật và cùng chung tay cho mục tiêu “một xã hội không rào cản. Từ đó đến nay, mỗi năm với một chủ đề khác nhau, ngày 03/12 không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm mà còn mang lại sự chia sẻ, tình cảm ấm áp cho người khuyết tật trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi,TS. Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật phát biểu khai mạc tại chương trình

Năm nay, Liên Hợp quốc kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật với chủ đề: "Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu Covid-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững", trong đó nêu lên những thách thức gia tăng mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch Covid-19 và hướng tới mục tiêu, đảm bảo quyền lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật trong tương lai, toàn diện hơn, với tiếp cận thuận lợi hơn, bền vững hơn cho tất cả mọi người, sau khi virus được kiểm soát.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói, NKT là “một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19”. Do đó, chúng ta phải đảm bảo không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và rủi ro đối với người khuyết tật trong đại dịch Covid-19. Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo toàn diện trong việc kiểm soát đại dịch. Công cuộc sống chung với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch mang lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng năng lực lãnh đạo và xây dựng tương lai tốt hơn, thông qua tăng cường bảo vệ người khuyết tật và đem lại cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch của đất nước.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn, người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh, song điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Tại buổi lễ, TS Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật cho biết,những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy...); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội người khuyết tật, Hội người mù, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật,…

Các đại biểu trình bày tại chương trìnhCác đại biểu trình bày tại chương trình

Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên. Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế,... giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

“Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội. Nhiều tấm gương không cam chịu hoàn cảnh của người khuyết tật, vượt qua những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết.

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm,… để phù hợp với Công ước và thực tiễn. “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của cộng đồng nhân dân, các tổ chức trong nước và quốc tế, chúng ta sẽ có tiếng nói chung để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam được thực hiện một cách hữu hiệu, nhất là phục hồi việc làm đối với người khuyết tật phục hồi sau đại dịch Covid-19” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết.

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú, UNDP Việt Nam  phát biểuÔng Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú, UNDP Việt Nam phát biểu

Tại buổi lễ, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho biết, các chương trình trợ giúp người khuyết tật được thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau như: y tế, giáo dục, đào tạo, việc làm, trợ giúp pháp lý, công trình và giao thông công cộng, văn hoá, thể dục thể thao, du lịch... Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng sẽ được hưởng mức trợ cấp hàng tháng từ 1,5-2 lần theo mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ 1/7/2021 là 360.000đ/tháng (Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội).

“Người khuyết tật và tổ chức của người khuyết tật đã và đang phối hợp với NCD, UNDP và các tổ chức đoàn thể và các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội của đất nước, của các tỉnh thành phố, đóng góp ý kiến của mình trong nhiều văn bản liên quan đến người khuyết tật” – bà Vân nói.

Chị Đỗ Thị Huyền- Phó Chủ tịch, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã tham luận về Phụ nữ khuyết tật trong đại dịch: gia tăng tình trạng bạo lực và bất bình đẳng. Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cũng cho biết, trong đại dịch, phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là gia tăng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid-19, Chị Lan Hương, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ cho rằng, cần thúc đẩy chuyền thông và thông tin dễ truy cập nhất dành cho người khuyết tật; đảm bảo các dịch vụ cá nhân dễ tiếp cận, nhất là việc làm và vay vốn dành cho người khuyết tật ở các địa phương.

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú, UNDP Việt Nam khẳng định: “UNDP cam kết hợp tác với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt trong bối cảnh Covid-19. UNDP công nhận người khuyết tật là đối tác quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ người khuyết tật nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ để đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, và xin chúc diễn đàn hôm nay thành công rực rỡ. Hy vọng rằng sự kiện này là bước khởi đầu cho các cuộc tham vấn có ý nghĩa thường xuyên để trao đổi với người khuyết tật trong quá trình xây dựng chính sách”.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội công nhận Điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng

Hà Nội công nhận Điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng

(PNTĐ) - Tối 26/4, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng; khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thương mại - Làng nghề gắn với Lễ hội truyền thống đình làng Lệ Mật.