Tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 27/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Thảo luận về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả - ảnh 1
Các đại biểu dự kỳ họp

Khoản 22 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 và khoản 6 của Điều 194 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh.

Tại điểm b khoản 4 quy định “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án: a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết 2 người trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.

Tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, điều kiện quy định cho tội phạm này “làm chết 2 người trở lên” là chưa tương ứng với tính chất hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe trong thực tế. Thời gian qua, đã có những vụ việc, những đối tượng phạm tội gây ra cho xã hội hậu quả nặng nề; làm ảnh hưởng về vật chất, tài sản, đặc biệt là sức khỏe con người.

Qua đó cho thấy, chúng ta không nên khoan nhượng với loại tội phạm này và cần những quy định có tính chất răn đe, kiên quyết, đại biểu đề nghị.

Tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) nhất trí cao việc dự thảo Luật đã tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh... tại các Điều 192, 193, 194, 195 và 317 Bộ luật Hình sự, đây là loại tội phạm đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đại biểu nêu rõ, theo thống kê công tác giám định hàng giả thời gian gần đây cho thấy, năm 2022 gồm 144 vụ, năm 2023 gồm 111 vụ, năm 2024 gồm 164 vụ.

Trong đó, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm chiếm khoảng 34%; hàng giả là thuốc giả, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh chiếm khoảng 20%; hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi chiếm khoảng 25%; các loại hàng giả khác như hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 21%.

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng giám định hàng giả tăng đột biến với 85 vụ, có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với số lượng cực lớn.

Qua công tác giám định cho thấy, có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này; trước đây chủ yếu là làm giả về nhãn mác, thương hiệu nhưng hiện nay có cả làm giả về chất lượng sản phẩm, như không bảo đảm thành phần, hàm lượng các hoạt chất được công bố, không công khai thành phần gây hại, dị ứng, chất bị cấm.

Mặt khác, lợi dụng sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về việc phải công bố chất lượng, tiêu chuẩn cơ sở, thông tin trên nhãn mác, bao bì sản phẩm, không yêu cầu chứng minh công dụng sản phẩm, nên các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều sản phẩm khác nhau về công dụng, đối tượng sử dụng, nhưng thành phần nguyên liệu không thay đổi. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả - ảnh 4
Các đại biểu dự kỳ họp

Do tính chất phức tạp, nguy hiểm và hậu quả của loại tội phạm này đối với xã hội là không thể đo đếm được, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị nâng mức phạt tiền lên cao hơn có thể là 3-4 lần so với mức tăng 2 lần như dự thảo Luật đối với các loại tội phạm về hàng giả tại các Điều 192, 193, 194, 195 và 317 Bộ luật Hình sự.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 80 năm, tái khẳng định lập trường Biển Đông và thúc đẩy hợp tác quốc tế

Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 80 năm, tái khẳng định lập trường Biển Đông và thúc đẩy hợp tác quốc tế

(PNTĐ) - Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã thông tin về nhiều vấn đề đối ngoại được dư luận quan tâm, từ lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, lập trường Biển Đông, vấn đề bảo hộ công dân đến đề xuất gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tổng Bí thư Tô Lâm: Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách

Tổng Bí thư Tô Lâm: Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách

(PNTĐ) - Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn của Hội nghị trong thời gian ngắn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là từng Ủy viên Trung ương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan và cầu thị. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân hay nể nang, né tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách.
Khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII

Khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII

(PNTĐ) - Hội nghị Trung ương 12 chính thức khai mạc sáng nay (18/7) tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong không khí cả nước đang tràn đầy phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của dân tộc và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.