Tăng trưởng GDP Việt Nam lập kỷ lục

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam ước tăng 7,52% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục của nửa đầu năm trong suốt 15 năm qua, kể từ năm 2011 đến nay.

GDP nửa đầu năm tăng 7,52%

Ngày 5/7, Cục Thống kê - Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025.

Tăng trưởng GDP Việt Nam lập kỷ lục - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết trong nửa đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và dự đoán, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ cũng như phản ứng của các nước. (Ảnh: Vietnam+)

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê - đánh giá, kinh tế - xã hội quý II và nửa đầu năm 2025 đạt được kết quả rất tích cực. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Bà nhận định, nửa đầu năm nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, đặc biệt liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng từ các quốc gia.

Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị và các cuộc xung đột vũ trang lan rộng tại nhiều nơi. Ngoài ra, tranh chấp thương mại, nhất là các biện pháp thuế quan giữa Mỹ và nhiều nước, tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy nguy cơ chiến tranh kinh tế lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi toàn cầu.

Bà Hương cũng lưu ý thêm rằng nhiều thách thức khác đang ngày càng gia tăng, điển hình là thiên tai và biến đổi khí hậu để lại hậu quả nặng nề. Đồng thời, các vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng tiếp tục đặt ra áp lực lớn. Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao so với mục tiêu điều hành của các Ngân hàng Trung ương, khiến điều kiện tài chính thắt chặt hơn và đà tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.

Thực tế này đã được thể hiện rõ qua các dự báo gần đây từ nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, khi hàng loạt nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2025 buộc phải điều chỉnh giảm so với trước đó.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trong khu vực đều chậm lại: Philippines đạt 5,3% (giảm 0,4 điểm phần trăm), Indonesia 4,7% (giảm 0,3 điểm), Thái Lan 1,8% (giảm 0,7 điểm). Riêng Việt Nam được WB dự báo đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2024.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo điều chỉnh: Philippines tăng 5,5% (giảm 0,2 điểm phần trăm), Indonesia 4,7% (giảm 0,3 điểm), Thái Lan 1,8% (giảm 0,7 điểm), Malaysia 4,1% (giảm 1 điểm), còn Việt Nam chỉ đạt 5,4%, giảm 1,7 điểm phần trăm so với năm trước.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,2% (giảm 0,9 điểm phần trăm), bên cạnh Philippines ở mức 5,6% và Thái Lan 2,0%.

Trong bối cảnh chung đầy khó khăn đó, mức tăng 7,52% của Việt Nam trở thành điểm sáng nổi bật, đồng thời phản ánh sức chống chịu vững vàng của nền kinh tế.

GDP quý II ước tăng 7,96%

Theo báo cáo từ Cục Thống kê, một trong những yếu tố then chốt làm nên kết quả tích cực của 6 tháng đầu năm là sự tăng tốc nổi bật trong quý II. Cụ thể, GDP quý II ước đạt mức tăng 7,96% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đứng sau mức kỷ lục 8,56% của quý II năm 2022. Đây là con số rất đáng chú ý nếu đặt trong tương quan với các năm thuộc giai đoạn 2020–2025 (năm 2020: 0,34%; 2021: 6,55%; 2023: 4,34%; 2024: 7,25%).

Xét tổng thể, tốc độ tăng trưởng 7,52% của 6 tháng là mức cao nhất trong chuỗi dữ liệu 15 năm trở lại đây (2011–2025), thậm chí vượt qua cả các năm có kết quả ấn tượng trước đại dịch như 2018 (7,43%) và 2019 (7,12%).

Xét về cơ cấu đóng góp vào mức tăng tổng giá trị gia tăng của toàn nền kinh tế, các khu vực đều cho thấy sự phát triển hài hòa và bền vững. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt với mức tăng 8,14%, đóng góp lớn nhất - chiếm 52,21%. Khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò trụ cột, tăng 8,33%, đóng góp 42,2%. Trong khi đó, nông - lâm - thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 3,84%, chiếm 5,59%, tiếp tục là điểm tựa an toàn cho nền kinh tế.

Xét theo hướng sử dụng GDP, các thành tố của tổng cầu đều ghi nhận mức tăng mạnh mẽ. Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ, đóng góp tới 84,2% vào mức tăng trưởng chung - phản ánh rõ nét vai trò then chốt của thị trường nội địa. Tích lũy tài sản cũng tăng 7,98%, chiếm 40,18% trong cơ cấu đóng góp, cho thấy niềm tin đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội tiếp tục được củng cố.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại diễn ra sôi động với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%, trong khi nhập khẩu tăng 16,01%, cho thấy sự phục hồi rõ nét cả về sản xuất lẫn tiêu dùng.

Lý giải về kết quả ấn tượng này, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh yếu tố then chốt chính là sự điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị. Những nỗ lực đó được thể hiện rõ qua loạt hành động cụ thể mang tính đột phá. Điển hình là cuộc cải cách mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy Chính phủ; việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời chú trọng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, đặc biệt liên quan đến phân cấp, phân quyền và xác định rõ thẩm quyền giữa các cấp, ngành.

Bên cạnh đó là sự quyết liệt trong triển khai các Nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật, cũng như phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Theo bà Hương, song song với việc theo dõi sát sao những biến động của kinh tế toàn cầu và trong nước, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt nhiều kết quả khả quan, tiệm cận các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục