Tháng cao điểm hành động "Vì người nghèo" năm 2022: Phát huy tinh thần tương thân, tương ái

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 sẽ là dịp để mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân thể hiện “tinh thần tương thân, tương ái”, bằng những hành động thiết thực- Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhấn mạnh tại lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo" và an sinh xã hội năm 2022 sáng 6/10.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho thấy, qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội hiện còn 3.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16%, còn 30.176 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38%, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Tháng cao điểm hành động
Ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhấn mạnh chương trình lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo" 

Trong số các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hiện nay có trên 3.900 hộ gặp khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ để xây mới và sửa chữa, cùng với đó là nhu cầu được hỗ trợ phương tiện, công cụ lao động, sản xuất, tạo việc làm để có thể vươn lên thoát nghèo. Do vậy, cùng với những chính sách hỗ trợ của thành phố, rất cần sự chung tay, chia sẻ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.

Đặc biệt, năm 2021 là năm thứ 2 của cuộc chiến chống Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng thành phố đã kịp thời ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững giúp người dân, doanh nghiệp từng bước ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.

Tính riêng năm 2021, tổng nguồn lực thành phố dành cho các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội là trên 10.640 tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến nay, Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 trọng tâm: Hỗ trợ an cư và trao sinh kế giúp thoát nghèo bền vững.

Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã chi hỗ trợ trên 76,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 653 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ phương tiện sản xuất như bò sinh sản, xe máy, máy khâu, máy cày, máy ép nước mía,...giúp hộ nghèo, hộ cần nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, chống tái nghèo.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, hết năm 2021, thành phố giảm được 3.057 hộ nghèo, đạt 262% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,04%, nâng số địa phương không còn hộ nghèo lên 12/30 quận, huyện.

UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc, tích cực chung tay giúp đỡ người nghèo và tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” thành phố năm 2022.

Ông Nguyễn Sỹ Trường cho biết thêm, đây cũng chính là hành động thiết thực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình số 08 (ngày 17/3/2021) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thông tin thêm tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết: Giai đoạn 2020 - 2025, TP Hà Nội phấn đấu không còn hộ nghèo và đặt mục tiêu hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ nghèo.

"Vừa qua, TP đã gặp mặt trước các doanh nghiệp, đã có 20 đơn vị dăng ký tại chương trình, đến nay đã có 50 doanh nghiệp đăng ký ủng hộ với số tiền gần 10 tỷ đồng. Đây con số rất đáng mừng trước thềm lễ phát động.."- ông Nguyễn Sỹ Trường cho biết.

Chương trình Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội thành phố Hà Nội năm 2022 được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lúc 20h ngày 11/10/2022 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô.

Các nội dung gồm: Phát động ủng hộ Quỹ ‘Vì người nghèo”; Trao hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo (200 nhà Đại đoàn kết, 20 con bò sinh sản, 15 xe máy, 1 máy ép nước mía trị giá trên 10,7 tỷ đồng); Tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; Biểu dương các hộ gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu.

Để có nguồn lực thực hiện các mục tiêu trên, Thành phố xác định sẽ phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay cùng TP. Ngoài vận động nguồn lực, hoạt động còn mang lại ý nghĩa nhân văn rất lớn, đó là nhân lên nghĩa cử cao đẹp, để mỗi doanh nghiệp, người dân nhận thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

(PNTĐ) -Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô gồm: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024; Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố.